Tháng 5 vừa qua, anh Hà Mạnh Tuấn (34 tuổi, sống tại Hà Nội) đi khám bệnh vì thường xuyên khó thở, không rõ nguyên nhân. Anh đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán ban đầu là tràn dịch màng phổi. Sau đó, nam bệnh nhân được chiếu chụp, hình ảnh trên phim có hạch ở thượng đòn, chèn ép gây tràn dịch.
Bác sĩ thông báo anh Tuấn mắc u lympho Hodgkin, căn bệnh ung thư không phổ biến trên thế giới, đang ở giai đoạn 4 với khối u 16cm.
Nhận được tin dữ, người đàn ông trẻ choáng váng kèm theo sợ hãi, cảm xúc đan xen lẫn lộn, không nói nên lời. Vài phút sau, anh Tuấn lấy lại bình tĩnh và nhìn sang bố đang đứng sững trước cửa phòng khám. Những ngày sau đó, mẹ anh liên tục khóc, mất ăn, mất ngủ, gầy rộc vì lo lắng cho con.
"Ở thời điểm đó, tôi nhận ra rằng, còn thở là còn hy vọng. Mặc dù bệnh ở giai đoạn muộn nhưng thể bệnh tôi mắc có khả năng sống rất cao. Tôi nhận thấy bản thân mình may mắn hơn những người đồng bệnh khác”, anh nói.
Người đàn ông nhanh chóng lấy lại cân bằng và dành 100 giờ tìm hiểu các tài liệu liên quan đến căn bệnh. Anh lên kế hoạch, chuẩn bị cho mình mọi thứ để bước vào hành trình điều trị ung thư ở tâm thế ổn định nhất.
“Nỗi đau lớn nhất trên đời này chắc hẳn là bố mẹ phải chịu tang con. Tôi quyết tâm bằng mọi giá chiến đấu với bệnh tật bằng tất cả sức mạnh và ý chí để điều này không bao giờ phải xảy đến với gia đình mình”, nam bệnh nhân bộc bạch.
Trong quá trình điều trị, tác dụng phụ của hóa chất, xạ trị khiến sức khoẻ người đàn ông 34 tuổi hao mòn, mất ngủ, ăn uống không ngon. Nhưng anh đều đã chuẩn bị mọi chuyện từ trước nên đón nhận ở tâm thế chủ động.
Song song với điều trị, nam bệnh nhân tự lấp đầy mỗi ngày bằng những hoạt động giúp cải thiện sức khỏe thể chất - cảm xúc - tinh thần - trí tuệ.
Mỗi tuần, anh ghi lại nhật ký ung thư chia sẻ với mọi người trên các nền tảng mạng xã hội với hy vọng “biết đâu ai đó cần”. Trang nhật ký đã thu hút hàng nghìn người quan tâm, nhận nhiều lời động viên và cảm ơn. Khi đỡ mệt, anh đọc hết tin nhắn, bình luận và nhận ra lý tưởng sống, lý do tồn tại ở cuộc đời.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 180.000 ca mắc ung thư mới và hiện tại khoảng 530.000 người đang sống chung với bệnh. Anh Tuấn mong muốn chia sẻ của mình có thể tiếp cận được 5.000 người đồng bệnh, giúp họ thay đổi cuộc đời. Người bệnh không chỉ chiến đấu với tế bào ác tính, họ còn thấu hiểu giới hạn bản thân và giá trị sống của mình.
Không chỉ truyền tinh thần tích cực cho nửa triệu người bệnh ung thư, anh Tuấn còn nhận ra gắn kết gia đình là liều thuốc tinh thần vô giá. Trước đây, vị CEO trẻ rất ham công việc, ít có thời gian nói chuyện với mọi người. Những ngày nằm viện, bố mẹ, họ hàng liên tục bên cạnh chăm lo, anh nhận ra giá trị vô giá của tình thân.
Nhiều đêm nằm ngủ, ngó qua cửa kính phòng bệnh, anh Tuấn bắt gặp cha vẫn đăm đăm nhìn về phía mình. Anh quay mặt vào trong né ánh mắt đó và khóc. Anh gọi cha là “ông bố quốc dân” vì suốt 4 tháng qua, ông luôn túc trực bên con trai không rời.
Hằng tuần, anh sắp xếp thời gian gặp và trò chuyện hàng chục người bên nội, ngoại. Mỗi tối, anh xem các phim hài rồi ngồi cười khúc khích bởi "1 nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ". Từ cảm giác sốc, sợ hãi đến nay, anh Tuấn coi ung thư nhẹ nhàng như một người bạn đồng hành trên đường đời.
“Tôi luôn đặt mình trong tâm thế hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất nhưng cũng chuẩn bị tâm lý cho điều tồi tệ nhất. Tôi là một người sống cho hiện tại, điều gì cần đến rồi cũng sẽ đến. Khi đó, tôi sẽ bình thản đón nhận”, anh trải lòng.
Nói về tinh thần trong điều trị ung thư, bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết sống chung với ung thư có thể khác nhau đối với mỗi người bệnh. Điều quan trọng là bệnh nhân phải hiểu những gì có thể xảy đến với loại bệnh và giai đoạn ung thư của mình. Người bệnh cần sự giúp đỡ của mọi người để đối mặt với bệnh tật. Sự hỗ trợ có thể đến từ gia đình và bạn bè, chuyên gia sức khỏe tâm thần, các nhóm hỗ trợ hoặc cộng đồng. Người bệnh có thể đặt ra yêu cầu hỗ trợ cho chính mình, đây cũng là một cách có thể kiểm soát được tình trạng hiện tại của bản thân. |