Tuyến bài “Phía sau cửa phòng cấp cứu” là chia sẻ của các bác sĩ trong quá trình điều trị, nỗ lực cứu chữa người bệnh gặp phải những tai nạn hi hữu trong cuộc sống thường ngày. Thông qua những ca bệnh thực tế, các bác sĩ đặc biệt khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác và trang bị kỹ năng sơ cứu đúng cách để giúp mình và người thân đảm bảo an toàn tính mạng.
Trong tuần qua, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận một số trường hợp bị chó cắn với nhiều vết thương phức tạp.
Điển hình là trường hợp ông T.Q.P (55 tuổi, trú tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) vào viện cấp cứu sau khi bị chó cắn. Bệnh nhân có hai vết thương nặng ở chân trái, mép vết thương bầm dập, tổn thương gân cơ. Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành sát trùng, sơ cứu và khâu vết thương, đồng thời tiêm phòng cho bệnh nhân.
Trường hợp khác là bệnh nhân H.C.G. (73 tuổi, trú tại huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) vào viện cấp cứu với 8 vết thương dưới đùi phải, vết dài nhất khoảng 3cm, bầm dập, tổn thương gân cơ, chảy nhiều máu qua vết thương.
Hai bệnh nhân này đều bị chó nhà cắn gây tổn thương nặng.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Ngọc Hưng, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, chó cắn không chỉ gây thương tích trên cơ thể còn ảnh hưởng tới tinh thần người bệnh.
Chó cắn là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh dại. Khi khởi phát bệnh, tỷ lệ sống sót ở động vật và người gần như bằng không.
Khi bị chó, mèo, vật nuôi cắn, người bệnh vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng. Virus dại ủ bệnh trong cơ thể khoảng 1 đến 3 tháng. Sau đó, người bệnh bắt đầu bị sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, uể oải, cảm giác sợ hãi, vị trí cắn tê đau.
Virus di chuyển lên hệ thống thần kinh trung ương và phá hủy hoàn toàn các tế bào thần kinh. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị cho người mắc bệnh dại khi đã lên cơn, tỷ lệ tử vong là 100%.
Cách sơ cứu khi bị chó mèo cắn:
1. Khi bị chó mèo cắn, cần rửa sạch vết thương ngay lập tức bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục từ 10-15 phút.
2. Nếu không có xà phòng, rửa vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút và rửa kỹ vết thương với cồn 75 độ.
3. Dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại, tránh băng kín vết thương.
4. Trong quá trình sơ cứu, tuyệt đối không để vết thương bầm dập. Đặc biệt, người dân không tự sử dụng thuốc Nam phòng dại.
5. Sau sơ cứu, cần đưa nạn nhân tới các cơ sở y tế để được điều trị và tiêm phòng dại.
6. Để phòng tránh chó mèo cắn, không đùa, trêu chọc chó, mèo đặc biệt là trẻ nhỏ.