Theo khảo sát, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định đang tập trung chuyển đổi số, từng bước ứng dụng công nghệ số giúp truy xuất nguồn gốc nông sản, dễ dàng tiêu thụ sản phẩm.
Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định là một trong những vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất Bình Định. Những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây ăn quả trên địa bàn không ngừng tăng mạnh.
Đến nay, diện tích cây ăn quả đã trồng trên địa bàn huyện Hoài Ân đạt gần 1.500 ha. Tập trung tại các xã Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây và thị trấn Tăng Bạt Hổ.
Trong đó, bưởi da xanh là một trong những cây ăn quả được người dân huyện này chú trọng tăng năng suất. Diện tích bưởi da xanh đến nay đạt 342 ha, đã cho sản phẩm trên 206 ha, sản lượng trên 1.671 tấn/ năm. Hiện đã có 45 ha diện tích cây bưởi da xanh đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Bán trên sàn điện tử Postmart
Để đưa bưởi da xanh và những nông sản trên địa bàn ra thị trường, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã liên kết tiêu thụ với các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh Bình Định. Đồng thời, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart và bán sản phẩm trên sàn trên sàn giao dịch này.
Anh Thái Thành Việt, thành viên HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân cho biết, HTX đã ký kết hợp đồng với 60 thành viên là bà con trên địa bàn huyện và ký hợp đồng liên đới tiêu thụ sản phẩm trên 100ha.
HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân sẽ quản lý sản phẩm của 60 hộ thành viên này, sau đó thu gom về HTX và phân loại sản phẩm để bán. Một vụ bưởi da xanh sẽ được bán trên sàn điện tử Postmart khoảng 50 tấn.
“Những sản phẩm này đều đã được dáng mã QR giúp nhận diện nhãn hiệu bưởi da xanh Hoài Ân và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sau khi đưa lên sàn thương mại điện tử sẽ được người khách hàng lựa chọn, tin tưởng, giúp sản phẩm được bán nhanh hơn”, anh Việt chia sẻ.
Truy xuất nguồn gốc nông sản bằng mã QR
Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Ân cho biết, việc truy xuất nguồn gốc nông sản bằng mã QR đã được Trung tâm thực hiện từ năm 2019 đến nay. Việc này được thực hiện trên những sản phẩm được công nhận sản phẩm VietGAP, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Ân sẽ phối hợp với địa phương thực hiện, triển khai quy trình đăng ký mã QR cho bà con; đồng thời thực hiện giám sát, kiểm tra, đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc để dán mã trên sản phẩm.
Người mua chỉ cần dùng điện thoại thông minh chụp quét mã QR sẽ có ngay những thông số như vườn bưởi, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm…
Hiện nay, toàn huyện Hoài Ân đã thực hiện truy xuất được nguồn gốc cho 25 sản phẩm như bưởi da xanh, dừa xiêm, mít thái, tiêu hột, lúa hữu cơ, gạo hữu cơ,… Từ năm 2022 đến nay, đã cấp được 6.000 mã cho sản phẩm nông nghiệp của huyện.
Thúc đẩy phát triển kinh tế
“Việc dán mã QR giúp nhận dạng sản phẩm. Người nông dân có trách nhiệm làm ra sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng biết được sản phẩm xuất phát từ đâu, được trồng theo quy trình nào, tăng độ tin cậy cho sản phẩm, tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm bưởi da xanh Hoài Ân”, ông Vương nói.
Không chỉ huyện Hoài Ân mà hiện nay ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định cũng đang triển khai hàng loạt giải pháp chuyển đổi số. Trong lĩnh vực trồng trọt đã triển khai thu thập thông tin truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho rau an toàn hợp chuẩn VietGAP nhãn hiệu “Lá lành” của HTX Phước Hiệp và HTX Thuận Nghĩa.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định sử dụng phần mềm trong quản lý dữ liệu về bảo vệ thực vật, quản lý dịch bệnh. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định phối hợp với Sở TT&TT rà soát đưa sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng đang rà soát các ứng dụng, phần mềm hiện có để phân loại và số hóa, tạo thành dữ liệu chung của tất cả lĩnh vực để xác định được cơ sở dữ liệu trong từng lĩnh vực.
Diễm Phúc