Xung quanh ý kiến lo ngại việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân sẽ không đủ nhân lực và nguồn lực, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, đơn vị đã làm việc để giải trình với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng để thảo luận, trao đổi, thống nhất về vấn đề này.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề trên.
- Ông đánh giá thế nào khi một số ý kiến cho rằng đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư dự án xây nhà ở cho công nhân chưa đảm bảo cơ sở pháp lý?
Trước hết tôi xin khẳng định, đề xuất này của Tổng Liên đoàn Lao động có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn.
Một trong các vấn đề mà công nhân, người lao động quan tâm hàng đầu hiện nay là nhà ở. Vấn đề này kéo theo một loạt các vấn đề của công nhân như điều kiện ăn ở, sức khỏe, môi trường sống, chăm sóc con cái, an ninh an toàn, xử lý các tình huống khủng hoảng như dịch bệnh Covid-19 vừa qua, tạo an tâm cho người lao động để gắn bó với doanh nghiệp…
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho công nhân rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung, thì rõ ràng rất cần thiết Nhà nước phải thiết kế một đạo luật có khả năng thu hút và giải phóng nguồn lực để huy động mọi lực lượng xã hội, trong đó có Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.
Ngoài ra, trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Nhà nước cần tạo cơ chế để Công đoàn tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, thể hiện những ưu việt, thế mạnh trong thu hút, tập hợp người lao động, gắn bó mật thiết với đoàn viên, người lao động.
Thời gian qua, trước thực trạng bức xúc về nhà ở của công nhân, theo đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 655 phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, sau này sửa đổi thành Quyết định số 1729 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng Liên đoàn đã báo cáo cơ quan chức năng và thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn.
Thực tế Tổng Liên đoàn đã tổ chức triển khai ở các địa phương khác nhau, trong đó có khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam, đóng tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên, được thiết kế gồm 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ, đã cho công nhân thuê 100%.
Vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã về khảo sát thực tế, được chứng kiến điều kiện ăn, ở, cuộc sống… của người lao động. Thực tiễn vận hành cho thấy, đến nay không phát sinh những vấn đề lớn.
- Các địa phương có ủng hộ chủ trương này không, thưa ông?
Việc triển khai Quyết định số 655 và Quyết định số 1729 được lãnh đạo và nhân dân các địa phương, nhất là công nhân rất ủng hộ, mong chờ. Đến nay đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm khu đất cho Tổng Liên đoàn, trong đó có 13 đơn vị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Định hướng đầu tư của Tổng Liên đoàn là chỉ xây dựng để cho thuê, với một số lượng rất ít trong nhu cầu lớn về nhà ở của công nhân.
Đầu tư được ưu tiên ở những địa bàn khó khăn, có tính chất tượng trưng, vừa tham gia giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho công nhân, vừa khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn để tập hợp người lao động.
- Vậy nguồn vốn đầu tư được Tổng Liên đoàn lao động huy động như thế nào?
Nguồn vốn được lấy từ nguồn tiết kiệm chi hành chính theo Đề án 655 và từ Quỹ đầu tư của Tổng Liên đoàn. Cơ quan tổ chức thực hiện là Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn có năng lực chuyên môn tốt.
Đến nay, hoàn toàn có đủ cơ sở quy định Tổng Liên đoàn Lao động tham gia đầu tư dự án nhà ở cho công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở.
Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân không chỉ là vấn đề an sinh xã hội, vấn đề kinh tế, thúc đẩy đoàn viên, người lao động gắn bó với doanh nghiệp, mà còn là vấn đề có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn. Việc này giúp Công đoàn làm tròn sứ mệnh của mình.
- Xin trân trọng cám ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!