Khu danh thắng chùa Hương là một trong những địa điểm du lịch thu hút khách nhất Hà Nội. Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, chỉ trong 2 ngày bán vé (mùng 3 và mùng 4 Tết) có tới hơn 56.000 lượt khách tới lễ và vãn cảnh.
Sáng mùng 5 Tết, hàng nghìn chuyến đò hoạt động tấp nập đưa khách từ bến Yến vào chùa Thiên Trù.
Năm nay, xã Hương Sơn mở hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương với hơn 4.000 thuyền. Ban tổ chức lễ hội chùa Hương mong muốn việc thực hiện này sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa, chấm dứt cảnh chèo kéo, xin tiền gây phản cảm.
Từ 7h sáng 14/2, hàng nghìn người đã xếp hàng từ khu vực bán vé cáp treo nối dài ra phía ngoài bến.
Dòng người nối dài tại khu vực qua cửa kiểm soát vé lên cáp treo.
Những ánh mắt, khuôn mặt du khách biểu lộ sự sốt ruột khi phải đứng chờ lâu.
Một người đàn ông cố gắng tìm khe hở lách qua để len lên phía trước.
Tuy nhiên, ai đã vào đây đều lâm vào cảnh đi tiếp không nổi, lùi lại không xong.
Bà Đỗ Thị Lan (Hải Dương) cùng gia đình phải chờ gần 1 giờ mới chỉ nhích được khoảng 10 mét, quãng đường chờ lên cáp của mọi người còn rất dài. “Lên xe từ 3h, đến cửa chùa lúc 7h. Nhà tôi có 6 người, trong đó 2 người tự leo, còn tôi và 3 người nữa không leo được nên đi cáp treo. Tình hình này đi cáp treo thì nhanh nhưng chờ cũng hết cả vài tiếng, chen nhau rất mệt mỏi”, bà Lan nói.
Đi cùng vợ và con, anh Chương Viết Năm tính trước để xuất phát sớm nhằm tránh bị ách tắc tại khu vực cáp treo nhưng vẫn không tránh khỏi. Anh Năm quyết định dẫn vợ con bỏ ra khỏi hàng và leo bộ lên chùa chính. “Tôi chờ 30 phút nhưng vẫn xếp hàng quá xa. Nhìn những người hàng trên đến trước mình mà vẫn còn phải chờ rất vất vả nên tôi đành bỏ vé, ra khỏi hàng để kiệm thời gian”, anh Năm kể.
Cảnh đông nghẹt người không chỉ xảy ra ở khu vực cáp treo, tại các lối leo lên chùa nhiều du khách cũng gặp khó khăn để đến được đích.
BTC lễ hội ước tính năm nay số lượng người dân đến chùa Hương vào dịp Tết Giáp Thìn tăng hơn 20% so với năm Quý Mão.