Lời toà soạn: TikTok đang trở thành một "vấn nạn" với những nội dung nhảm nhí, xuyên tạc, vi phạm pháp luật. Đi kèm đó là tình trạng tin giả tràn lan và các thông tin "nhạy cảm" về chính trị. Đáng chú ý thuật toán của nền tảng này lại cổ vũ cho điều đó xảy ra và nguy hiểm hơn khi người dùng TikTok đều là người trẻ. Báo VietNamNet xin chuyển đến độc giả loạt bài phản ánh về những "vấn nạn" trên nền tảng này.
Một trong những nỗi ám ảnh của phụ huynh chính là các thử thách trên TikTok. Theo đó, các video của người chơi đưa ra thử thách nguy hiểm như “ngạt thở”, “gương lửa”, “thiên thần của cái chết”,... sẽ xuất hiện trên nền tảng này. Mặc dù TikTok cấm trẻ em dưới 13 tuổi, nhưng với việc cho tạo tài khoản một cách dễ dãi, không cần xác minh, nhiều trẻ em đã khai gian tuổi để đăng ký sử dụng. Vì vậy, cùng với thuật toán gợi ý theo "trend", những đứa trẻ đã tham gia được vào các thử thách “nhảm, “chết chóc” như đã nêu ở trên. Kết quả đã có hàng chục nạn nhân thiệt mạng do tham gia các thử thách này.
Đến thời điểm hiện tại, thử thách trên TikTok lấy đi nhiều sinh mạng của trẻ em nhất đó chính là “Thử thách ngạt thở” (blackout challenge). Đây là thử thách khuyến khích người chơi tự thắt cổ mình bằng các vật dụng trong nhà như quấn khăn, dây thừng,… đến bất tỉnh và ghi hình cho đến khi người tham gia tỉnh lại.
Theo Bloomberg, trong 18 tháng qua, ít nhất đã có 20 trẻ em tử vong vì tham gia thử thách ngạt thở, trong đó có 15 trẻ em dưới 12 tuổi và 5 ở độ tuổi 13,14.
Tháng 2/2021, một bé gái 9 tuổi ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ), đã chết ngạt sau khi quấn đồ dùng trong nhà quanh cổ trong lúc cố gắng thực hiện thử thách bất tỉnh.
Antonella Sicomero, bé gái 10 tuổi ở Palermo (Ý), được phát hiện chết trong tư thế treo cổ. Cha mẹ bé cho biết con gái mình đã thiệt mạng khi tham gia thử thách "cực đoan" trên TikTok.
Tháng 12/2021, Nylah Anderson (10 tuổi) đã thiệt mạng ở ngoại ô thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ). Mẹ của Anderson đã tìm thấy các đoạn video trên điện thoại di động, quay cảnh cô bé và người anh họ đang thực hiện thử thách ngạt thở.
Tháng 6/2022, một tổ chức của Mỹ đã nộp đơn kiện TikTok vì gây ra cái chết cho 7 trẻ em khi các nạn nhân thực hiện thử thách này.
Mới đây nhất, sự việc đau lòng tiếp tục xảy ra, khi ngày 13/1/2023, bé gái Milagross Soto người Argentina cũng đã tử vong. Cô bé được bố tìm thấy với một sợi dây thừng quấn quanh cổ trong phòng ngủ và không còn dấu hiệu của sự sống. Theo nhiều báo cáo, Soto đang phát trực tiếp thử thách ngạt thở cho những người bạn cùng trường vào thời điểm cô bé qua đời.
Bên cạnh thử thách ngạt thở, còn xuất hiện nhiều thử thách nguy hiểm khác trên TikTok và dẫn đến nhiều hệ luỵ cho giới trẻ.
Tháng 5/2021, một cô bé 13 tuổi ở tiểu bang Oregon (Mỹ) được đưa tới phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) với vết bỏng độ 3 sau khi tham gia thử thách “gương lửa” (fire mirror challenge) của TikTok. Theo đó, thử thách này yêu cầu người tham gia phun chất lỏng dễ cháy lên gương rồi châm lửa.
Tháng 6/2021, tại Indonesia, thử thách “thiên thần của cái chết” (angel of death challenge) trên TikTok đã được nhiều thanh thiếu niên tham gia hưởng ứng. Theo tờ Insider, đã có ít nhất 2 người thiệt mạng vì tham gia thử thách này khi lao thẳng ra đường chặn đầu xe tải đang chạy để xem xe có kịp dừng lại trước khi tông trúng họ hay không.
Tháng 9/2021, Jack Mason (10 tuổi, Scotland) phải phẫu thuật cắt bỏ ruột non và 30 cm ruột già do nuốt nhiều viên nam châm vào bụng. Đây là hậu quả của việc em tham gia thử thách ngậm nam châm trên TikTok.
Ngoài ra, còn nhiều thử thách khác như “thổi ngón tay cái” (thumb blowing challenge) trên TikTok. Theo đó, nhiều người dùng TikTok, chủ yếu là trẻ em, quỳ xuống đất và hít vào thật sâu trước khi bật dậy rồi thổi phồng miệng với ngón tay cái ngậm chặt bên trong, hay thử thách “benadryl” (benadryl challenge), thách thức người tham gia uống 12 viên thuốc dị ứng để chìm vào ảo giác, cũng từng được chuyên gia y tế cảnh báo nguy hiểm.
Người thân các nạn nhân cáo buộc thuật toán nguy hiểm của TikTok đã liên tục đề xuất các video về thử thách này vào nguồn cấp dữ liệu của trẻ em, khuyến khích chúng tham gia thử thách và dẫn đến sự việc đáng tiếc.
Mặc dù tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong khi tham gia thử thách trên TikTok, nhưng theo nhiều chuyên gia, các phụ huynh cần chú ý đến con mình nhiều hơn. Bởi hiện nay, nhiều phụ huynh áp dụng phương pháp dỗ con nhỏ bằng cách mở chương trình trẻ em trên các nền tảng mạng xã hội trong đó có TikTok cho con xem. Thuật toán của TikTok hoàn toàn có thể "dẫn dắt" các em tiếp cận với những nội dung "người lớn", nhảm nhí, "xấu độc" hay các thử thách nguy hiểm ở trên.
Như trường hợp của anh Hoàng Hải, một phụ huynh tại TP.HCM, đã phải thốt lên kinh ngạc, khi tài khoản TikTok anh tạo cho con trai 8 tuổi gần đây xuất hiện hàng loạt các clip nhảy nhót, khoe thân của các cô gái,…
“Rõ ràng khi em tạo tài khoản cho con đã chọn các nội dung cho trẻ em rồi mà không hiểu sao gần đây vào lại thấy toàn clip nhảy nhót, khoe thân của các cô gái trên đó”, anh Hải cho biết.
(Tổng hợp)
Bài 5: Vì sao các nước muốn cấm TikTok?