Tập thể doanh nghiệp và hộ kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã làm đơn kiến nghị UBND tỉnh; Công an tỉnh và nhiều cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh ở địa phương này.
Theo đơn phản ánh, từ năm 2017 đến nay, các hộ kinh doanh karaoke vẫn hoạt động và các đoàn kiểm tra định kỳ kết luận đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo quy định. Vậy nhưng, từ tháng 10/2022, sau đợt tổng kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Công an, hầu hết các cơ sở bị tạm dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn về PCCC.
Theo các chủ quán karaoke, việc PCCC yêu cầu thay thế vật liệu trang trí nội thất, vật liệu âm thanh, cách nhiệt trên tường vách ngăn và trần treo đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang máy thoát nạn… phải là vật liệu khó cháy, không cháy theo quy định.
Tuy nhiên, việc thay thế các vật liệu theo yêu cầu trên đang là băn khoăn của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Do họ không thể xác định thực tế vật liệu khó cháy, không cháy, phải chờ cơ quan chuyên môn thẩm định, thí nghiệm như: Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng; Viện Vật liệu xây dựng…
“Đa số các cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay đã sử dụng các vật liệu bán trên thị trường để phù hợp với mục đích sử dụng, đảm bảo tính thẩm mỹ, có công năng cách âm, tiêu âm, giảm độ ồn theo đặc thù riêng của lĩnh vực âm thanh và được Bộ VH-TT-DL quy định… thì cơ bản sẽ không đảm bảo điều kiện là vật liệu khó cháy, không cháy mà cơ quan chức năng đưa ra” – đơn kiến nghị nêu rõ.
Khó tìm vật liệu thay thế
Hai vợ chồng chị Trần Thị Vân Anh chủ quán karaoke 48, TP Vinh chia sẻ, trong số hơn 400 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải đóng cửa thì bình quân mỗi cơ sở có từ 30 đến 40 nhân viên. Do đó, số lượng người bị mất việc làm trên toàn tỉnh là cả chục nghìn người.
Cạnh đó, Nhà nước còn thất thu khoản thuế của mỗi cơ sở bình quân hàng từ 30 – 40 triệu đồng/tháng.
“Mỗi phòng karaoke tùy địa phương đầu tư khoảng 500 – 600 triệu đồng, ở thành phố dao động từ 1 – 2 tỷ đồng/phòng. Nếu bây giờ phải tháo dỡ theo quy định mới của Bộ Công an và tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đưa ra thì không có vật liệu nội thất nào đạt yêu cầu để thi công phòng karaoke” – chị Vân Anh khẳng định.
Cũng theo các cơ sở kinh doanh karaoke, nếu những vật liệu không cháy, khó cháy trong phòng hát thì chỉ có: Gạch, đá, bê tông, thạch cao, kim loại… thì việc này không đáp ứng về thẩm mỹ, cách âm, chống ồn mà ngành văn hoá đề ra.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Chủ doanh nghiệp Karaoke Apec kiêm Chủ tịch Hiệp hội Karaoke Nghệ An cho hay, nếu cơ quan chức năng yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke thực hiện theo QCVN 06:2022/BXD thì đồng nghĩa với việc các cơ sở phải phá bỏ toàn bộ nội thất làm lại từ đầu. "Mỗi phòng đầu tư 500-700 triệu giờ phá bỏ để đầu tư mới sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào phá sản” – ông Tuấn nói.
Ông Tuấn kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở theo lộ trình khắc phục mà không bị tạm đình chỉ, có thể phân thành 2 nhóm.
Một là, các cơ sở đã được thẩm duyệt PCCC và được cấp phép có đầy đủ giấy tờ, điều kiện, thiết bị, cứu hộ cứu nạn, cơ sở hạ tầng lối thoát hiểm…. đạt chuẩn về PCCC thì xin được vừa hoạt động vừa khắc phục với cam kết đảm bảo an toàn về PCCC, nếu xảy ra sự cố sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Hai là những cơ sở thiếu trang thiết bị, không đủ điều kiện về sự an toàn về hệ thống điện, hệ thống báo cháy tự động, không đủ lối thoát nạn, xa trụ nước công cộng... không đáp ứng yêu cầu A.4.2 QCVN 06:2022/Bộ xây dựng thì tạm dừng để khắc phục.
Theo đại diện Hiệp hội Karaoke Nghệ An, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 419 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar... Trong đó, có 410 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 9 quán bar, pub phải ngừng hoạt động để khắc phục các tồn tại về hệ thống phòng cháy, chữa cháy.