Hết thời, cây xăng thay nhau trả mặt bằng, buôn xăng dạo 'vào mùa'
Hơn 1 tháng qua, nhà chức trách đã 3 lần tăng giá bán cho các mặt hàng xăng, dầu nhưng nhiều cây xăng vẫn đóng cửa, trong khi các điểm bán xăng lẻ mọc lên như nấm, bán với giá cao hơn nhiều so với mức trần Nhà nước quy định với doanh nghiệp.
Tại TP.HCM, mua xăng dầu vẫn là công việc khá vất vả với người dân. Một cây xăng trên đường Lê Văn Việt (TP.Thủ Đức) đã giăng dây, kéo rào, tự phong toả vào chiều 3/11.
Điều đáng nói là trong lúc trạm xăng đang đóng cửa thì ngay bên ngoài đã mọc lên ngay một “cây xăng lẻ” với các bình chứa đầy ắp xăng bên trong.
Không thể kiên nhẫn chờ đợi lâu hơn được nữa, một số người dân đành phải chấp nhận đổ xăng lẻ với giá cao hơn so với giá quy định của Nhà nước.
Trạm xăng dầu Đông Sài Gòn trên đường Nguyễn Văn Tăng, phường Long Thạnh Mỹ kéo rào treo bảng hết xăng, hết dầu và “xin thông cảm”.
Chị Trần Thị Thu Hương (sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin) cho biết, nếu trước đây việc đi đổ xăng chỉ tốn tầm 5-10 phút thì nay bản thân đã phải làm quen và thích nghi với việc mất 20-30 phút để đi đổ xăng, thậm chí là cả khả năng “đánh hơi” cây xăng nào còn cho đổ.
Cây xăng trên quốc lộ 1K (phường Linh Xuân, TP.Thủ Đức), một trong những cây xăng cho người dân đổ thoải mái, nên có rất đông người dân đã tập trung, thậm chí đem cả can nhựa lớn đến mua xăng.
Trong khi đó, tại địa bàn tỉnh Bình Dương, hàng loạt cây xăng cũng đã kéo rào đóng cửa, ngưng kinh doanh. Cây xăng trên quốc lộ 1K (phường Đông Hoà, TP.Dĩ An) treo bảng tạm ngưng kinh doanh.
"Hàng xóm” của TP.HCM là tỉnh Đồng Nai cũng không khá khẩm hơn khi nhiều cây xăng cũng đang “án binh bất động”. Cây xăng ở xã Hố Nai (huyện Trảng Bom và TP.Long Khánh đang treo bảng “hết xăng”.
Một cây xăng lẻ “mọc” lên ngay trước một trạm xăng trên đường ĐT 767 (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom với giá bán 30 nghìn đồng/lít.
Nhiều người dân cho biết, họ rơi vào thế buộc phải đổ xăng lẻ để đi dù giá cao hơn rất nhiều, do suốt thời gian vừa qua nhiều trạm xăng trên địa bàn đều đang treo bảng hết xăng nên nếu không đổ thì không có xăng chạy xe đi làm.
Trước thắc mắc về việc tại sao cây xăng thì hết hàng mà xăng lẻ vẫn có hàng, một người bán xăng lẻ tại huyện Trảng Bom cho biết đã huy động người trong gia đình hàng ngày chạy khắp các cây xăng trên địa bàn và các vùng lân cận để “gom xăng”, lúc ít thì gom được 20 lít, có hôm nhiều thì được tầm 50 lít.
Tương tự, tại địa bàn tỉnh Bình Dương, hàng loạt cây xăng cũng đã kéo rào đóng cửa, ngưng kinh doanh. Cây xăng trên quốc lộ 1K (phường Đông Hoà, TP.Dĩ An) treo bảng tạm ngưng kinh doanh.
Thậm chí, nhiều cây xăng khác trên địa bàn TP.Dĩ An còn treo bảng trả mặt bằng, ngừng kinh doanh. Cây xăng Đông Hoà trên quốc lộ 1K và cây xăng SaiGon Petro trên đường Nguyễn Tri Phương, TP.Dĩ An đều đã cho tháo trụ bơm xăng và treo bảng cho thuê lại mặt bằng.
Nguyễn Nam