Vụ việc gần nhất xảy ra vào ngày 5/8 tại TP.HCM. Theo đó, một nhóm sinh viên tổ chức đi ăn sau khi hết giờ làm thêm. Hôm sau, 2 người tử vong, 6 người đi cấp cứu.
Thông tin ban đầu cho thấy, nhóm sinh viên đã sử dụng 5 lít rượu có sẵn trong kho của quán từ tháng 5. Sau đó, họ pha với nước ngọt để uống. Đến nay, vẫn chưa xác định được nguồn gốc của 5 lít rượu.
Nồng độ Methanol trong máu của các bệnh nhân khi vào viện rất cao, đến 246,46 mg/dL ở một bệnh nhân nam. Hiện tại, 4 người đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, 2 người tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức.
Vào tháng trước, tại Cà Mau, 3 người phụ nữ đã tử vong sau 2 ngày nhậu liên tiếp, nghi ngờ do ngộ độc Methanol - cồn công nghiệp. Khi đưa đến bệnh viện cấp cứu, các nạn nhân đã mê man, mạch và huyết áp bằng 0. Buổi nhậu trước đó có 6 người và uống khoảng 5 lít rượu mua ở nhà người quen.
Cách đó vài tuần, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cũng tiếp nhận một ca ngộ độc Methanol nguy kịch. Nạn nhân là người đàn ông 52 tuổi. Sau khi uống rượu, ông cảm thấy khô nóng rát cổ họng, nhức đầu, tối sầm mặt và ngất xỉu ngoài đường. Kết quả xét nghiệm nồng độ Methanol trong máu ban đầu của bệnh nhân là 125,2 mg/dL.
Nghiêm trọng nhất là khoảng tháng 10/2021, Bệnh viện Trưng Vương và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc rượu Methanol. Trong đó, 7 trường hợp không qua khỏi.
Các bệnh viện nhận thấy tình trạng bất thường nên đã nhanh chóng báo cáo Sở Y tế TP.HCM. Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng vào cuộc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ sở sản xuất rượu hay cá nhân liên quan nào bị xử lý.
Thông tin từ gia đình cho biết, nạn nhân phần lớn là công nhân, lao động nghèo, mua rượu ở các tạp hóa nhỏ về uống cùng bạn bè.
Cũng vào tháng 10/2021, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai có 2 vụ ngộ độc rượu công nghiệp, xảy ra tại bữa tiệc của một hộ dân và tại một doanh nghiệp tổ chức sinh nhật.
Theo cơ quan chức năng, có 17/19 người tham gia bị ngộ độc phải đi cấp cứu, 3 người trong số đó tử vong. Một số nạn nhân phải thở máy, một ca bị tổn thương thị giác nặng.
Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi… Chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùn
g làm rượu thực phẩm.
Sau khi vào cơ thể, Methanol được cơ thể chuyển thành axit formic. Chất này có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thần kinh trung ương cũng như võng mạc. Mức độ axit formic cao dễ gây suy đa tạng, toan chuyển hóa nghiêm trọng.
Bác sĩ Hoàng Tiến Nam, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, người ngộ độc Methanol không xử trí kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Thậm chí, nếu qua cơn nguy kịch cũng để lại biến chứng mờ mắt.
Các triệu chứng ngộ độc Methanol gồm buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê.