Trong vụ nhóm sinh viên ngộ độc rượu tại TP.HCM vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức đã tiếp nhận 2/6 bệnh nhân. Cả 2 trường hợp đều phải lọc máu do có tình trạng toan chuyển hóa nặng, ngộ độc Methanol.
Chiều 8/8, bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Bé, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cho hay, 2 bệnh nhân nói trên hiện đã ổn định, nồng độ Methanol trở về mức gần như bình thường.
Cụ thể, thời điểm nhập viện, nữ bệnh nhân 20 tuổi có nồng độ Methanol 52.65 mg/dL. Bệnh nhân được thở máy, rửa dạ dày, lọc máu, chống toan chuyển hoá. Hiện tại, nồng độ Methanol là 1,8 mg/dl.
Trong khi đó, nam sinh 19 tuổi nhập viện với nồng độ Methanol rất cao: 188,39 mg/dl. Sau lọc máu và điều trị tích cực, nồng độ hiện tại là 1,99 mg/dl.
Nam sinh 19 tuổi quê ở Phú Yến, là sinh viên năm 2 và đang làm thêm ở quán Mr Bao (nơi xảy ra vụ ngộ độc). Bệnh nhân cho biết, tối 3/8, một số nhân viên của quán rủ nhau nhậu sau khi hết giờ làm. Vì mới có lương nên mọi người hùn tiền mua đồ ăn, rượu được mang lên sẵn.
Nam sinh cho hay, rượu hôm ấy hơi khó uống nên mọi người pha thêm nước ngọt. Tuy nhiên, em không nhớ cả nhóm đã uống hết bao nhiêu lít rượu.
Rạng sáng 4/8, buổi nhậu kết thúc, nam sinh này ngủ quên tại quán đến khoảng 14h chiều. Khi về nhà trọ, em tiếp tục ngủ đến hết ngày. Sáng hôm sau, các triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu xuất hiện.
Chiều 5/8, khi nghe tin một người anh trong buổi nhậu đã mất, nam sinh được bạn đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức. “Lúc nghe nói 2 người đã tử vong, em bất ngờ và rất sợ hãi”.
Chiều 8/8, cha mẹ của nam sinh từ Phú Yên đã vào TP.HCM để chăm con. Người mẹ cho biết, bà chỉ mong con ổn định tâm lý sau vụ việc và sớm phục hồi sức khỏe.
Trong khi đó, nữ bệnh nhân 20 tuổi là bạn của một nhân viên quán Mr Bao, được nhóm nhậu rủ đến vào rạng sáng 4/8. Cô gái cho biết mình uống ít, không cảm thấy rượu bất thường. Sau buổi nhậu, cô vẫn ăn uống bình thường. Tuy nhiên sang ngày tiếp theo (5/8), cô đau đầu, chóng mặt, mắt không thấy rõ, bị nhoè, chói. Ngay sau đó, cô được bạn đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Theo chủ quán Mr Bao (nơi xảy ra vụ việc), rượu được đựng trong thùng nước suối 5l, được một nhân viên cũ mua cùng với 4 thùng nước suối khác. Khi phát hiện bình này chứa chất nghi là rượu, chủ quán đã dán nhãn "RƯỢU" bên ngoài và cất vào kho từ tháng 5/2022. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh nơi cung cấp các thùng nước suối và rượu này.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bé cho hay, việc pha nước ngọt vào rượu có thể giúp người uống cảm thấy dễ chịu hơn do có vị ngọt, không có yếu tố gây độc. Tuy nhiên, nếu rượu đã chứa độc chất Methanol, khi pha thêm nước ngọt sẽ kích thích người uống nhiều vì cảm thấy ngon hơn. Từ đó, lượng Methanol đi vào cơ thể nhiều hơn và gây độc.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, rượu pha Methanol rất khó nhận biết. Một số người sành rượu có thể phân biệt, vì rượu Ethanol nấu từ gạo có vị ngọt, còn cồn công nghiệp Methanol mùi nồng hơn.
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, Methanol được dùng trong công nghiệp hóa chất. Methanol rất độc vì thải trừ chậm, oxy hóa thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic.
Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của Methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt.
Người ngộ độc Methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, co giật, hôn mê, co cứng toàn thân; thở nhanh, phù phổi cấp; mạch nhanh, huyết áp giảm; đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.
Khi xảy ra ngộ độc Methanol, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở điều trị gần nhất để được hồi sức cấp cứu và điều trị kịp thời.