Hàng ngàn du khách tới biển Quang Lang sáng 1/9 (Video: Nguyễn Duy Long/ Fanpage Cộng Đồng Diêm Điền)
Sáng ngày 1/9 - ngày đầu tiên của kì nghỉ Quốc Khánh 2/9, hàng ngàn lượt du khách đã tìm tới "biển vô cực" Quang Lang thuộc xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, nước dâng cao và có gợn sóng, du khách không thể chiêm ngưỡng cảnh "biển vô cực" đẹp mê li như những ngày trước đó. Nhiều người thất vọng ra về sau nhiều giờ di chuyển.
Trả lời báo VietNamNet, anh Nguyễn Duy Long (Admin Fanpage Cộng Đồng Diêm Điền) - người quay lại hình ảnh dòng người đổ tới bãi biển Quang Lang vào sớm ngày 1/9 cho biết: "Tôi từng tới chụp ảnh tại biển Quang Lang từ năm 2017 tới nay nhưng chưa bao giờ thấy vùng biển quê hương thu hút du khách tới vậy. Đây là tín hiệu rất mừng cho du lịch địa phương. Tôi hy vọng chính quyền có thể phát triển du lịch tại bãi biển Quang Lang, Thụy Xuân".
Tuy nhiên, theo anh Long, việc săn cảnh "biển vô cực" phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Du khách cần xem dự báo thời tiết kĩ trước khi tìm tới biển Quang Lang, tránh ngày mưa, có dông, gió. "Dự kiến trong vài ngày tới, du khách khó có thể chiêm ngưỡng "biển vô cực" do nước dâng khá cao. Có thể thời điểm từ 7-12/9 hoặc 21-25/9, "biển vô cực" mới xuất hiện trở lại", anh Long cho biết.
Trong khoảng nửa tháng qua, bãi biển Quang Lang và Thụy Xuân (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) gây sốt trên mạng xã hội, thu hút nhiều du khách, giới nhiếp ảnh bởi cảnh đẹp kỳ ảo, lôi cuốn trong sớm bình minh. Hai bãi biển này không sở hữu bờ cát trắng, không có mặt biển trong xanh hay những con sóng lớn mà mang nét bình yên, hoang sơ với bãi cát bồi màu nâu sậm, phẳng và trải dài bất tận. Sớm bình minh, khi nước cạn, mặt biển tráng một lớp nước mỏng, chỉ xâm xấp mắt cá chân, trông như một tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời, cảnh vật.
Hiện, bờ biển Quang Lang vẫn rất hoang sơ. Tới đây, ngoài chiêm ngưỡng cảnh bình minh ấn tượng, du khách có thể xem ngư dân đánh bắt hải sản theo phương thức truyền thống. Ngư dân Quang Lang vẫn sử dụng một ngư cụ truyền thống được tạo nên từ hai cây tre dài, xếp hình chữ V và lưới để đánh bắt tôm, cá nhỏ ở các vùng nước ven bờ. Gọng te lúc lên cao, lúc hạ xuống thấp trông như những cánh buồm no gió. Ở khu vực nước sâu, người đẩy te còn phải đi cà kheo để kéo te, tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động, khiến du khách không khỏi ngạc nhiên.
Tuy nhiên, để săn khoảnh khắc "biển vô cực", ngoài lưu ý xem dự báo thời tiết, du khách còn cần dậy rất sớm và đi bộ vượt một quãng đường bùn lầy, trơn trượt dài khoảng 2km.