Mệt mỏi vì kiểm tra hàng hóa
Tại tọa đàm "Gỡ vướng cho hàng quá cảnh" ngày 18/7, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, chia sẻ, các doanh nghiệp vận tải đang “vướng ở thủ tục kiểm soát hàng quá cảnh”.
Ông Nguyễn Văn Quyền lý giải: Tại cửa khẩu nhập, hàng hóa đã được hải quan kiểm tra thực tế ngay sau khi các doanh nghiệp quá cảnh vừa nhận hàng từ phương tiện vận tải của chủ hàng nước ngoài tại khu vực giám sát của hải quan. Thế nhưng, đến khi vận chuyển đến cửa khẩu ra thì lại bị mở ra kiểm tra hàng hóa. Thời gian kiểm tra kéo rất dài, có khi 2-3 ngày.
“Việc xếp hàng lại vào container còn nảy sinh tình trạng không xếp hết hàng, người xếp ban đầu chuyên nghiệp hơn. Cho nên, doanh nghiệp lại phải điều thêm xe để chở lượng hàng thừa này, gây nguy cơ hư hỏng hàng hóa cao”, ông Quyền nói và cho rằng, vướng mắc trên cần được tháo gỡ để tạo điều kiện cho người vận tải, giảm chi phí logistics xuống.
Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, cho hay: Chủ hàng nước ngoài không hiểu sao hàng hóa của họ đi qua lãnh thổ Việt Nam chỉ 3-4 tiếng, hoặc 20-36 tiếng, mà phải tuân thủ đầy đủ quy định liên quan đến hàng rào phi thuế quan áp dụng cho hàng nhập khẩu.
"Tôi rất chia sẻ với đối tác của chúng tôi ở nước ngoài. Đây là cái mất thời gian để thay đổi, nhưng phải được thay đổi".
"Chúng tôi lo ngại tình trạng như năm 2019-2020, có thời điểm cả trăm container bị ách lại. Đó là thảm cảnh của vị thế Việt Nam trong tuyến đường lưu chuyển hàng hóa quốc tế”, ông Nghĩa than thở.
Một trong những lỗi doanh nghiệp vận tải thường xuyên bị phạt là khai sai hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp cho rằng “khai sai thì phạt”, nhưng “phạt ai”? Các doanh nghiệp không đồng tình với việc hải quan phạt doanh nghiệp vận tải Việt Nam.
“Chúng tôi đề nghị Tổng cục Hải quan lập một đề án đánh giá lại công tác giám sát hải quan với hàng quá cảnh, hướng tới phương thức quản lý chặt chẽ khoa học, dựa trên công nghệ, giúp quá trình giám sát hải quan có hiệu quả tối đa, trong khi vẫn đảm bảo tính cạnh tranh của doanh nghiệp logistics, vị thế Việt Nam là điểm trung chuyển hàng hóa quốc tế”, ông Trần Đức Nghĩa kiến nghị.
Về vấn đề này, nhìn nhận dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Mạnh Cường lưu ý: Nếu xử phạt thì phải phạt chủ hàng nước ngoài khi hàng hóa khai sai, không nên xử phạt doanh nghiệp Việt Nam.
"Tôi đề nghị ban hành cơ chế kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu nhập trước khi container của chủ hàng nước ngoài chuyển sang phương tiện của doanh nghiệp vận tải Việt Nam. Không xem xét tiến hành kiểm tra thực tế tại cửa khẩu xuất đi. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải bằng thiết bị hiện đại, không kiểm tra thủ công", ông Cường nói.
Ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh hàng quá cảnh Việt Nam - ASEAN tỉnh Lạng Sơn, giãi bày: "Tôi rất vất vả, suốt ngày nghe phàn nàn và báo cáo của các hội viên vì liên tục bị kiểm tra hàng hóa quá cảnh".
Hải quan nói số lượng phải kiểm tra rất ít
Phản hồi các doanh nghiệp, ông Đỗ Hữu Thọ, Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Hôm qua, cơ quan này đã thu thập thông tin từ hải quan địa phương để nắm bắt tình hình.
Cụ thể, tại cửa khẩu Chalo, từ đầu năm đến nay có 12.736 tờ khai, hải quan kiểm tra 16 tờ khai phát hiện 14 tờ khai vi phạm. Tại Bình Phước có 3.829 tờ khai, hơn 5.400 container, kiểm tra 17 tờ khai, phát hiện 4 vi phạm.
Lạng Sơn có 2.996 container, hải quan kiểm tra 8 conntainer và phát hiện 6 vụ vi phạm.
Long An có 5.992 tờ khai, hải quan kiểm tra 23 tờ khai, phát hiện vi phạm tại 11 tờ khai.
“Tức là tỷ lệ kiểm tra của cơ quan hải quan là rất nhỏ, chỉ chưa đến 1% trên tổng số các lô hàng quá cảnh nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm thì lại nhiều như thế”, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan nhận xét.
Ông Thọ cho biết: Hải quan xác định không kiểm tra tràn lan hàng hóa, trừ khi có dấu hiệu vi phạm.
Về việc các doanh nghiệp nói rằng không nên xử phạt doanh nghiệp vận tải mà nên xử phạt chủ hàng, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng: Hàng quá cảnh doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển, trên cơ sở ủy quyền của chủ hàng. Khi khai báo hải quan, doanh nghiệp khai kèm theo bảng kê, lấy thông tin chủ hàng để kê.
Theo ông Thọ, đây cũng là cái khó cho doanh nghiệp, nhưng khi được ủy quyền thì phải khai cho chuẩn. Không lẽ gì đưa hàng cấm vào Việt Nam, vi phạm luật pháp Việt Nam anh lại không chịu trách nhiệm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận: Nguyên tắc chung của thế giới là ra quyết định xử phạt chủ hàng ở nước ngoài, gửi quyết định xử phạt đến họ. Chủ hàng nộp phạt thì xong, nhưng nếu không nộp sẽ bị ghi vào sổ đen. Các hoạt động về sau sẽ bị chặn lại. Họ xử phạt theo đúng nguyên tắc ai làm sai phải chịu trách nhiệm.
“Các cơ quan ở Việt Nam thường nói không xử phạt được doanh nghiệp nước ngoài nên không ra quyết định xử phạt. Suy nghĩ như vậy rất sai. Nếu không ra quyết định xử phạt thì chủ hàng nước ngoài không có lý do gì để thừa nhận họ từng vi phạm. Cách thức xử phạt của nước ngoài, phía hải quan nên tham khảo; còn bị xử phạt như này các doanh nghiệp vận tải Việt Nam cũng rất bức xúc”, ông Đức góp ý.