XEM CLIP: (Nguồn: VNR)
Cả nước có khoảng 1.000 đường ngang cắt qua hệ thống đường sắt. Thời gian qua, tình trạng vi phạm tại các đường ngang gia tăng, đặc biệt tại những đường ngang trang bị hệ thống cảnh báo (cần chắn, đèn tín hiệu, chuông) tự động.
Chỉ trong quý 1, cả nước đã xảy ra 116 vụ tài xế cố tình vượt đường ngang.
Công ty Cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội là đơn vị được giao quản lý gần 200 đường ngang có hệ thống cảnh báo tự động trên 5 tuyến đường sắt: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đồng Đăng và Bắc Hồng - Văn Điển. Ông Bùi Đình Sỹ, Giám đốc Công ty Cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội khá lo lắng về tình trạng phương tiện cố tình vượt đường ngang.
Tại các đường ngang trên, khi tàu đến, chuông sẽ kêu, đèn tín hiệu màu đỏ được bật lên nhấp nháy, gác chắn hạ xuống. Lúc này, người tham gia giao thông phải dừng lại.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại các đường ngang có gác chắn tự động, tình trạng vi phạm an toàn giao thông xảy ra nhiều hơn so với các đường ngang có nhân viên đứng gác.
“Điều này cho thấy ý thức của một bộ phận tài xế còn kém. Trong đó, nhiều vụ ô tô cố tình vượt đường ngang đâm gãy cần chắn, thậm chí lao vào cột trụ làm vỡ động cơ đã xảy ra”, ông Sỹ nói.

Theo thống kê, trong năm 2024, trên 5 tuyến đường sắt do Công ty Cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội quản lý, ghi nhận gần 400 vụ tài xế đâm hỏng cần chắn, trong đó có những vụ vỡ cả động cơ.
“Nếu chỉ gãy cần chắn thì kinh phí ước khoảng 10-20 triệu đồng để thay thế. Nhưng có những vụ tài xế cố tình vượt đường ngang, đâm gãy không chỉ gác chắn mà còn lao vào cột trụ làm hỏng động cơ điều khiển.
Động cơ điều khiển cần chắn này bao gồm chip, bo mạch… Đây là thiết bị phải nhập khẩu, có giá trung bình từ 150-170 triệu đồng/chiếc tùy từng loại của Đức hay của Nhật. Do hàng đặc chủng nên chúng tôi cũng không thể mua lẻ được từng chiếc”, ông Sỹ thông tin.
Chỉ 20% tài xế nộp phạt khắc phục hậu quả
Điều ông Sỹ lo ngại là rất khó xử lý tài xế vi phạm. Thực tế, trong gần 400 vụ va chạm trong năm 2024, chỉ có khoảng 80-120 tài xế chấp hành xử lý vi phạm (20-30%) nộp phạt khắc phục hậu quả.
Theo ông Sỹ, có 3 nguyên nhân khó xử lý tài xế vi phạm.
Thứ nhất, tài xế vi phạm hầu hết là điều khiển các xe tải, khi mua bán ô tô không làm thủ tục sang tên, chuyển chủ, vì vậy quá trình tìm kiếm những tài xế này không dễ.
Thứ hai, xe vi phạm mang biển số các tỉnh như Sơn La, Lai Châu... nhưng gây ra va chạm ở Hà Nội, lực lượng chức năng gặp khó khi tìm, gọi, mời chủ xe, lái xe đến làm việc để xử lý.
Thứ ba, 100% vụ lái xe gây hư hỏng cho hệ thống cần chắn tự động và phụ kiện không dừng lại mà bỏ trốn khỏi hiện trường. Nếu vụ việc xảy ra buổi tối, ở những vị trí không có đèn, camera không soi được biển số thì “gần như không bắt được”.
“Việc tài xế không chấp hành tín hiệu cảnh báo đường ngang, cố tình vượt qua đường sắt khi tàu sắp đến không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể gây thiệt hại đến tính mạng. Bởi vì đường sắt là đường độc đạo, người tham gia giao thông phải dừng lại quan sát tàu trước khi quyết định đi qua đường ngang”, ông Sỹ nhấn mạnh.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 24, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định: “Khi có hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, đèn đỏ sáng nhấp nháy, chuông kêu, chắn đường bộ đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại về bên phải đường của mình, trước vạch dừng xe".
Ngoài ra, tại khoản 2 của Điều 24 cũng quy định, người tham gia giao thông phải quan sát 2 phía, đảm bảo an toàn không có phương tiện giao thông đường sắt mới được đi qua.
Từ những quy định này, luật sư Nguyễn Đức Hưng nhấn mạnh, ngay cả khi hệ thống tín hiệu cảnh báo gặp vấn đề thì người điều khiển phương tiện giao thông cũng phải đảm bảo an toàn mới được phép đi qua đường ray tàu hỏa.