Thương hiệu xe điện khởi nghiệp Zeekr, công ty con của "ông lớn" xe điện Geely Trung Quốc, vừa chính thức ghi tên mình vào một trong số ít các nhà sản xuất ô tô trên thế giới ứng dụng công nghệ máy đúc khổng lồ Giga, công nghệ do Tesla khởi xướng và tiên phong để sản xuất xe điện nhằm cắt giảm chi phí.
Giám đốc Công nghệ sản xuất của Zeekr – ông Jiang Kehong chia sẻ với tờ Reuters rằng, thương hiệu của ông đã bắt đầu sử dụng máy đúc khổng lồ để chế tạo khung gầm của mẫu xe van đa năng 6 chỗ ngồi Zeekr 009.
Vị này cho biết, công nghệ mới đã giúp hãng có thể loại bỏ gần 800 mối hàn trong quá trình tạo khung, cắt bỏ đi các chi tiết thừa, làm giảm trọng lượng và tăng độ cứng kết cấu, từ đó cải thiện đáng kể khả năng vận hành của chiếc MPV sẽ được bán tại Trung Quốc trong năm nay.
Trong tương lai, Zeekr cũng sẽ ứng dụng công nghệ đúc Giga lên nhiều mẫu mã sản phẩm hơn.
Việc Zeekr công khai thông tin sử dụng công nghệ đúc mới hiện đại diễn ra cùng thời điểm với đối thủ Xpeng vốn đang đẩy mạnh áp dụng những công nghệ bắt chước Tesla trong thiết kế và sản xuất xe điện.
Việc đúc khuôn nguyên khối nhựa và kim loại, đã được ứng dụng trong sản xuất từ lâu, tuy nhiên đây là loại hình vô cùng mới đối với chế tạo ô tô.
Theo ông Riccardo Ferrario – Tổng giám đốc Idra có trụ sở tại Italy, việc sử dụng các máy đúc khổng lồ, được Tesla đặt tên là máy đúc Giga, đã giúp cho đơn giản hóa quá trình sản xuất và cắt giảm tới 40% chi phí ở một số hạng mục quan trọng.
Hiện nay trên thế giới, General Motors Mỹ đã ứng dụng công nghệ nói trên. Toyota cũng được cho rằng đang xem xét ứng dụng và Volvo đã công bố kế hoạch triển khai “máy đúc cỡ lớn” tại nhà máy lắp ráp ở Thụy Điển.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm vượt trội mà công nghệ đúc Giga mang lại trong sản xuất, nó có một bất cập cực lớn đó là sẽ khó khăn trong quá trình sửa chữa xe nếu hư hỏng.
Một chiếc xe thông thường khi va chạm có thể sửa chữa thay thế các bộ phận khá dễ dàng, trong khi một chiếc xe sử dụng công nghệ đúc Giga khi bị va chạm, có thể dẫn tới phải thay thế toàn bộ khung thân trước hoặc thân sau. Dẫn tới chi phí sửa chữa vô cùng lớn.
Do đó, hiện nay các nhà chế tạo đang nghiên cứu phương pháp đúc thành từng bộ phận nhỏ hơn để dễ dàng hơn trong quá trình sửa chữa.
Hùng Dũng (theo Autonews)