LỜI TÒA SOẠN:

Sống ở bất cứ môi trường nào, chúng ta cũng có những người hàng xóm và có những câu chuyện bi hài khó nói. Báo VietNamNet mở diễn đàn Chuyện hàng xóm. Mời quý độc giả chia sẻ những câu chuyện của mình qua địa chỉ mail: bandoisong@vietnamnet.vn

Gia đình tôi chuyển về khu chung cư hiện tại được 4 năm. Tôi sống ở tầng 9. Cả tầng có 8 căn hộ, nhưng tôi chỉ giao lưu với nhà đối diện.

Cuộc sống cũng được xem là yên ổn khi hàng xóm văn minh, lịch sự, chẳng ai phiền đến ai. Nhà tôi với nhà đối diện chơi khá thân nhưng không suồng sã. Dù gì cũng đều là người trẻ, chúng tôi hiểu rõ cần tôn trọng không gian sống của nhau.

hàng xóm 1.jpg
Đau đầu nghe hàng xóm kể xấu con dâu. Ảnh minh họa: FP

Gần 1 năm trở lại đây, sự văn minh ấy bị phá vỡ. Số là mẹ chồng nhà đối diện từ quê ra chăm cháu. Không hiểu hợp duyên thế nào mà bà rất thích nói chuyện với tôi.

Một tuần 7 ngày thì có đến 6 ngày bà sang nhà tôi kể chuyện. Chỉ cần thấy tôi hé cửa là bà chạy sang.

Thời gian đầu, bà hay hỏi han tôi chuyện quê quán, bố mẹ, anh chị em... Sau này thân hơn, bà lại kể mấy chuyện ở quê, cả chuyện vui vẻ lẫn những chuyện cãi vã, xô xát. 

Lúc đầu nghe cũng thấy vui tai nhưng dần dần, tôi phát chán. Bà kể liến thoắng để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp của bà, không cần biết tôi có muốn nghe hay không. Tôi gọi đây là “giao tiếp một chiều”, bởi tôi chẳng xen vào được câu nào.

Đi làm về mệt mỏi, tôi chỉ mong được yên tĩnh nghỉ ngơi một chút rồi lao vào lo cơm nước, con cái. Thế mà chút thời gian yên tĩnh ấy cũng bị bà lấy mất.

Từ chỗ muốn mở cửa cho thoáng, giờ đây mỗi khi về nhà là tôi vội đóng cửa để bà không có cơ hội sang kể chuyện. Đóng cửa cũng chả yên, bà biết tôi về là sang bấm chuông, lấy cớ xin củ hành, củ tỏi... để ngồi kể chuyện. 

Có lần, tôi phải kiếm cớ nghe điện thoại để cắt ngang câu chuyện của bà. Nào ngờ, bà kiên nhẫn ngồi đợi tôi nghe xong điện thoại rồi kể chuyện tiếp. Tôi bất lực, trong lòng ngao ngán.

Nhưng cái sự bất lực đó vẫn chưa là gì so với tình huống khó xử tôi vừa gặp phải. 

Chẳng là sống lâu ngày với nhau, giữa bà và con dâu nảy sinh mâu thuẫn. Bà chuyển sang kể xấu con dâu với tôi. Bà chê con dâu lười biếng, bừa bộn, thích sai vặt chồng, đi không chịu hỏi, về không chịu chào, hay cãi mẹ chồng... 

Bà kể rất gay gắt, cho thấy sự bức xúc lên đến đỉnh điểm. Đi làm về đã mệt, lại phải nghe mấy câu chuyện tiêu cực, tâm trạng tôi tụt dốc không phanh. Bỗng chốc, tôi trở thành chiếc thùng rác của bà, để bà trút mọi nỗi ấm ức, bực dọc.

Chưa kể, tôi vốn khá thân với con dâu bà, thi thoảng cũng nghe em ấy kể xấu mẹ chồng. Đứng ở giữa, tôi chẳng biết đáp thế nào cho phải.

Hôm đó, căn đúng lúc tôi xách túi đi làm về, bà hàng xóm sang trút bầu tâm sự.

Bà chì chiết con dâu: “Nó lười hết phần thiên hạ. Đi làm về cơm sẵn ăn, nước sẵn uống, thế mà có mấy cái bát cũng phải chia đôi với chồng. Đời thuở nhà ai, chồng rửa bát ngày chẵn, vợ rửa bát ngày lẻ. Bác thấy có ngứa mắt không?”.

Tôi chẳng biết phản đối hay đứng về phe bà, chỉ biết nói nước đôi: “Rửa mấy cái bát cũng đơn giản bác nhỉ? Cháu thấy vợ hay chồng rửa cũng được. Hay là em ấy muốn chia việc cho chồng, để cậu ấy học làm việc nhà?”.

Bà bực dọc đáp: “Học cái gì mà học. Đàn ông làm việc lớn chứ ai đi học mấy cái việc vớ vẩn của đàn bà”.

Cháu gái nội 7 tuổi của bà không biết đứng cửa hóng chuyện từ lúc nào, nghe đến đó thì lên tiếng: “Sao bà cứ đi kể xấu mẹ cháu thế?”, rồi giận dỗi bỏ về.

Ai ngờ, con bé về mách mẹ, không biết kể hơn kể kém ra sao mà tối đó, cô em hàng xóm sang chất vấn tôi. Em bảo tôi hùa vào với bà nói xấu em, khiến nhà cửa tan nát. Tôi nói thế nào em ấy cũng không nghe, nhất mực: “Trẻ con không biết nói dối”.

Chồng tôi thấy vậy thì mắng tôi té tát, bảo tôi "già đời người còn lắm chuyện, rảnh hơi đi nói xấu hàng xóm láng giềng, rồi cái tiếng để đời". Tình huống này, tôi có 10 cái miệng cũng không cãi lại được.

Từ hôm đó, nhà tôi với hàng xóm gần như cạch mặt nhau. Tôi không thấy bà hàng xóm sang nhà kể xấu con dâu như trước. Buồn thì buồn thật, nhưng đôi khi tôi lại thấy may. Chí ít bây giờ, tôi không phải căng tai nghe mấy chuyện tiêu cực nữa.