CNN đưa tin, theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, những con ốc sên còn sống được tìm thấy trong hành lý của một du khách đến Sân bay Quốc tế Detroit thuộc bang Michigan từ Ghana, một quốc gia ở phía tây châu Phi.
Trong khi đó, ốc sên hiện nằm trong danh sách "sinh vật bị cấm" ở Mỹ vì chúng có thể gây bệnh cho con người, và có thể tàn phá môi trường nghiêm trọng nếu được thả ra ngoài tự nhiên.
Song trên thực tế, không ít nơi trên thế giới, người dân vẫn ăn ốc sên và còn nuôi chúng làm thú cưng.
“Việc phát hiện loài sinh vật ngoại lai này mang lại lợi ích cho sức khỏe và hạnh phúc của người dân Mỹ”, ông Robert Larkin, Giám đốc Sân bay Quốc tế Detroit nói.
Có nguồn gốc từ phía đông châu Phi, những con ốc sên được tìm thấy trong vali của hành khách có thể dài tới hơn 20cm. Ốc sên châu Phi khổng lồ còn mang một loại ký sinh trùng gọi là giun phổi chuột dẫn đến bệnh viêm màng não ở người. Ngoài ra, loài ốc sên này còn ăn ít nhất 500 loại thực vật khác nhau, thậm chí còn ăn cả thạch cao và vữa xây nhà khi xem đây là nguồn cung cấp canxi. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ nhấn mạnh nếu được thả vào tự nhiên, ốc sên châu Phi khổng lồ có thể tàn phá môi trường.
Hồi tháng 7/2022, một quận của bang Florida đã bị cách ly, sau khi các quan chức địa phương phát hiện số lượng ốc sên đang gia tăng nhanh chóng. Chúng được cho có nguồn gốc từ hoạt động buôn bán thú cưng bất hợp pháp.
Một quần thể ốc sên châu Phi khổng lồ trước đây cũng từng được tìm thấy ở quận Miami-Dade của bang Florida đã khiến chính quyền địa phương mất tới 10 năm và hàng triệu USD để tiêu diệt hoàn toàn. Loài ốc này có thể đẻ tới 2.500 trứng mỗi năm nên rất khó để kiểm soát số lượng.