“Chìa khóa” của sự phát triển

Tại thời điểm hợp nhất và ra mắt thương hiệu PVcomBank năm 2013, việc mở mới điểm giao dịch vật lý là tương đối khó khăn cả về thủ tục giấy phép lẫn chi phí vận hành, hoạt động. Vì vậy, PVcomBank đã xác định chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách cần được ưu tiên triển khai hàng đầu. Đây là “chìa khóa” để ngân hàng có thể tiếp cận được khách hàng với những sản phẩm, dịch vụ đa dạng trên không gian trực tuyến.

anh minh hoa 01.jpg
Sự ra đời của Ngân hàng số chính là lời khẳng định của PVcomBank trong sứ mệnh xây dựng một “Ngân hàng không khoảng cách”.

“PVcomBank chọn khẩu hiệu “Ngân hàng không khoảng cách” làm tôn chỉ hoạt động, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, mang đến cho khách hàng những giải pháp tài chính đa dạng, phù hợp, tối ưu ở mọi nơi, mọi lúc. Tại PVcomBank, hành trình chuyển đổi số không chỉ là sự ưu tiên mà còn là mục tiêu “sống còn” để đón đầu xu thế tương lai, chinh phục thị trường cũng như trải nghiệm khách hàng bằng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ tài chính số ưu việt”, đại diện PVcomBank chia sẻ. 

Việc tồn tại đồng thời 2 nền tảng Micro Bank và Flexcube sau khi hợp nhất hai tổ chức đã không còn phù hợp với hoạt động của PVcomBank. Do đó, cần phải tìm ra giải pháp ngân hàng lõi có khả năng đáp ứng tối đa sự vận hành của hệ thống và phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. 

Đến tháng 2/2017, nhiệm vụ này về cơ bản đã hoàn thành khi PVcomBank tạo nên “cú đột phá” mang tên Core T24 - sản phẩm ngân hàng lõi của nhà cung cấp Core hàng đầu Temenos (Thụy Sỹ). Chỉ 5 tháng sau đó, PVcomBank được Tạp chí Asian Banking Finance (ABF) trao giải “Ngân hàng có giải pháp Core Banking đột phá, hiệu quả nhất Việt Nam” và giải “Ngân hàng có sản phẩm Mobile Banking sáng tạo, hiệu quả nhất Việt Nam”. 

Nỗ lực chuyển đổi ngân hàng lõi tuy vất vả, đòi hỏi chi phí, nguồn nhân lực lớn, nhưng hoàn toàn xứng đáng bởi Core T24 có thể đáp ứng được đa dạng các mục đích sử dụng, tránh xảy ra trục trặc trong giao dịch, đáp ứng chuẩn mực Basell 2, thậm chí Basell 3. Mặt khác, đây còn là nền tảng đảm bảo cho khả năng phát triển ổn định và mở rộng một cách linh hoạt của ngân hàng số trong tương lai.

Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ là phát triển một ứng dụng trên môi trường online hay thay đổi ngân hàng lõi, mà còn là sự tích hợp công nghệ vào tất cả các mặt hoạt động của ngân hàng, từ phát triển sản phẩm đến quy trình vận hành, mô hình kinh doanh…

anh minh hoa 02.jpg
PVcomBank đã chủ động triển khai đa dạng nền tảng công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ mục tiêu chuyển đổi số.

PVcomBank đã chủ động triển khai đa dạng nền tảng công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ mục tiêu chuyển đổi số, có thể kể tới: Ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong hệ thống eKYC (định danh điện tử) nhằm tăng cường tính bảo mật đối với việc nhận diện khách hàng; Xây dựng các ứng dụng cho phép mã hóa và chấp nhận thẻ chip qua công nghệ NFC (công nghệ kết nối không dây trong phạm vi ngắn); Phát triển mở tài khoản thanh toán qua eKYC và xác thực giao dịch bằng SMS/SmartOTP để hỗ trợ khách hàng giao dịch trên Internet Banking/Mobile Banking; Triển khai hệ thống quản lý định danh (IAM), hệ thống quản lý tích hợp (Open Banking), hệ thống xác thực đa nhân tố, hệ thống xử lý nghiệp vụ theo sự kiện (Distributed Event Streaming), Trục tích hợp dịch vụ toàn ngân hàng (ESB) tích hợp theo chuẩn kiến trúc hướng dịch vụ SOA…

Với nền tảng dữ liệu lớn xử lý tập trung trên nền tảng AWS, PVcomBank đã trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng nền tảng dữ liệu trên Cloud (điện toán đám mây) xuyên suốt nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh.

Tham gia “cuộc đua” để nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong kỷ nguyên số hóa khi các ngân hàng đều tham gia “cuộc đua” chuyển đổi số, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã tiến hành chuyển đổi số thành công với mức tăng trưởng rõ rệt về doanh thu và lợi nhuận. Tất nhiên, PVcombank cũng không “đứng ngoài cuộc”. 

PVcomBank là một trong những ngân hàng đầu tiên kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ứng dụng thành công căn cước công dân gắn chip trong hoạt động định danh, xác thực điện tử, mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC.

Hiện tại, khách hàng của ngân hàng này có thể mở tài khoản thanh toán với căn cước công dân gắn chip, chỉ mất khoảng 3 giây để nhập dữ liệu và đặt căn cước công dân vào vị trí đọc NFC trên điện thoại để xác thực thông tin thay vì phải bỏ nhiều thời gian cho việc căn chỉnh để chụp căn cước công dân như trước đây. Số lượng khách hàng eKYC mở tài khoản thanh toán thanh toán trong năm 2023 cũng tăng hơn 3 lần so với năm 2022.

anh minh hoa 03.png
PVcomBank tiên phong ứng dụng thành công căn cước công dân gắn chip vào mở tài khoản bằng eKYC.

Bên cạnh đó, nhiều “điểm sáng” cũng liên tục xuất hiện trên “bức tranh” chuyển đổi số của PVcomBank. Chẳng hạn trong lĩnh vực phát triển các kênh thanh toán số, xây dựng hệ sinh thái tài chính với các đối tác, PVcomBank đã phối hợp cùng Bộ Y tế phát hành miễn phí thẻ trả trước định danh kết hợp với thẻ khám chữa bệnh để người dân có thể thanh toán chi phí cho bệnh viện mà không phải dùng tiền mặt. Chương trình này đang diễn ra tại một số bệnh viện công như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Y Thái Bình…

Việc sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt nhanh chóng và tiện lợi tại bất kỳ địa điểm nào đã trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình số hóa các dịch vụ tài chính. Đây chính là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của PVcomBank. Với những thành tựu trong quá trình chuyển đổi số, khách hàng không cần phải chờ đợi để được phục vụ mà có thể sử dụng các quy trình tự động, mang lại trải nghiệm tốt hơn. Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác với nhiều đối tác để thông qua API kết nối với các hệ sinh thái trên thị trường nhằm thỏa mãn các nhu cầu ngày càng đa dạng của người dùng”, lãnh đạo PVcomBank nhấn mạnh. 

Khi trải nghiệm khách hàng trực tuyến “lên ngôi”, PVcomBank cũng chủ động áp dụng công nghệ trên nền tảng trực tuyến nhằm thu thập dữ liệu và đánh giá về hành vi khách hàng, từ đó có thể phục vụ khách hàng tốt hơn, cung cấp các trải nghiệm cá nhân hóa phù hợp với thị hiếu của người dùng.

Song song với đó, chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng còn chú trọng việc đưa sản phẩm, dịch vụ lên các kênh phân phối hiện đại như Internet Banking/Mobile Banking/ngân hàng mở… Với xu hướng và thói quen sử dụng giao dịch trực tuyến ngày càng gia tăng, ngân hàng mở là một trong những phương thức hiệu quả giúp PVcombank tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu tác vụ thủ công, cung cấp các dịch vụ toàn diện, tiện ích nhất cho khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

anh minh hoa 04.png

“Bắt tay” với nhiều “ông lớn” công nghệ để tăng tốc chuyển đổi số

Chiến lược hợp tác với các “ông lớn” công nghệ cũng chính là một giải pháp hữu hiệu giúp PVcomBank có thể bứt phá mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.

Theo đó, PVcomBank đã hợp tác với IBM trong việc tăng tốc độ hiện đại hóa, ứng dụng tích hợp linh hoạt làm nền tảng cho các dịch vụ ngân hàng số thông qua việc triển khai IBM Cloud Pak for Integration (CP4I).

PVcomBank 5.jpg

Để thực hiện chuyển đổi mô hình dữ liệu, xử lý kết nối, thực hiện định tuyến tin nhắn, chuyển đổi các giao thức truyền thông và quản lý tổ hợp nhiều yêu cầu khác nhau, PVcomBank đã tin tưởng sử dụng IBM CP4I như một nền tảng công nghệ cho hệ thống Trục tích hợp (ESB) của ngân hàng. Hệ thống ESB đảm bảo tính kết nối, an toàn và bảo mật thông tin, đồng thời liên tục nâng cao hiệu suất hệ thống, cho phép ngân hàng tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc triển khai dự án, đảm bảo tính tương thích và đồng bộ của các tiêu chuẩn kỹ thuật. Với giải pháp CP4I làm cơ sở, nền tảng tích hợp lai hiện nay cho phép ngân hàng kết nối các ứng dụng đám mây và vật lý, bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu trong quá trình truyền tải.

Ngoài ra, dự án phát triển Hệ thống Core Banking T24 trên nền tảng điện toán đám mây (AWS Cloud) của Amazon Web Services nhằm phục vụ kinh doanh trên kênh số cũng là một trong những dự án trọng điểm của PVcomBank nhằm đáp ứng các yêu cầu kinh doanh, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, gia tăng doanh số. 

anh minh hoa 05.jpg

Trong tương lai, điều này sẽ góp phần không nhỏ vào việc tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao tính tuân thủ và minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Trong suốt chặng đường 10 năm phát triển vừa qua, PVcomBank đã nhận được nhiều giải thưởng từ các tổ chức uy tín hàng đầu nhằm tôn vinh những nỗ lực chuyển đổi số. Mới đây nhất là giải thưởng “Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất năm 2023” do Tạp chí Asian Banking and Finance Magazine (ABF) bình chọn.

anh minh hoa 06.jpg
PVcomBank nhận giải “Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất” từ ABF năm thứ hai liên tiếp.

Giải thưởng chính là sự ghi nhận và khẳng định thành tựu chuyển đổi số của PVcomBank khi triển khai những công nghệ mới, tiên phong trong ngành tài chính ngân hàng. Đây cũng là động lực để PVcomBank thực hiện và sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đối số toàn diện, đáp ứng những thay đổi trên thị trường cũng như nhu cầu ngày càng tăng cao của nhiều phân khúc khách hàng.