Diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?" hiện vẫn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả VietNamNet.
Dưới đây là bài viết của độc giả Nguyễn Hiếu Quân gửi về diễn đàn (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).
Tôi còn nhớ trong một cuộc họp cách đây đã lâu, một thầy là giám đốc Sở GD-ĐT đã chia sẻ với các lãnh đạo các phòng ban của Sở và các trường rằng “một lãnh đạo thành công chỉ khi giữ chân được giáo viên, nhân viên muốn ở lại trường 15 phút sau khi họ hết việc, vậy thôi”.
Đến bây giờ, tôi vẫn thấy ý nghĩa và sự chính xác trong chia sẻ đó của thầy.
Một trường học hạnh phúc chỉ khi giáo viên muốn đến dạy, muốn cống hiến, muốn hết lòng với học trò, muốn gặp gỡ đồng nghiệp. Còn học sinh, đơn giản là muốn đi học.
Như vậy, yếu tố đầu tiên, và quan trọng nhất để cả thầy và trò hạnh phúc là được làm việc và học tập trong thân thiện, đầy tình yêu thương và thấu cảm.
Trước hết phải là vai trò của Ban giám hiệu nhà trường, nhất là hiệu trưởng trường học.
Cách đây đã hơn mười năm, khi tôi còn là Bí thư Đoàn trường, sáng thư hai hàng tuần tôi thường đánh giá thi đua tuần trước. Thầy hiệu trưởng khi đó mới về công tác đã nhận xét và góp ý riêng với tôi hai điều.
Thứ nhất, khi khen học sinh đạt điểm cao hay tuyên dương việc tốt, đừng chỉ đọc mỗi cái tên cụt lủn mà phải đọc đầy đủ cả họ và tên, như vậy các em học sinh mới thấy tự hào, hãnh diện.
Thứ hai, khi phê bình điểm kém hay việc chưa tốt thì chỉ nói là lớp A có mấy trường hợp thôi, nói chung chung như vậy thì các em cũng đã tự biết rồi chứ không nêu tên để các em xấu hổ, mặc cảm nữa.
Kể từ đó, giờ chào cờ sang thứ hai đã trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ, và ý nghĩa hơn nhiều với các em học sinh và kể cả thầy cô, khi sau phần nghi lễ trang trọng là các tiết mục văn nghệ, hoặc câu chuyện về một tấm gương tiêu biểu, một hành động đẹp nào đó. Cứ sau mỗi phần phát biểu ngắn gọn của thầy cô, học sinh là những lời chúc đầu tuần vui vẻ, hạnh phúc, và một tuần dạy vả học bắt đầu với những niềm vui như thế.
Ngoài ra, để giáo viên có thể yên tâm gạt bỏ những lo lắng, áp lực về thành tích, sự thay đổi chương trình, hệ thống quản lý hồ sơ, điểm số, chuyên môn... để đến lớp với niềm hạnh phúc, từ đó lan tỏa đến học sinh, thì lãnh đạo trường phải là những nhà quản trị đầy tài năng với những kĩ năng mềm được tập huấn, trang bị bài bản, và có hệ thống.
Chỉ khi có đủ tri thức, kĩ năng quản lý, thì mới tránh tình trạng gây thêm căng thẳng, áp lực cho giáo viên với tư duy “thà thừa hơn thiếu”, kéo bè cánh gây mất đoàn kết, chia rẽ trong cơ quan, hoặc có khi nghiêm trọng hơn khi vi phạm pháp luật, như trong nhiều tình huống thực tế đã xảy ra.
Yếu tố thứ hai cần nhắc đến là việc tạo dựng môi trường để giáo viên sáng tạo.
May mắn thay, Chương trình Giáo dục 2018 cũng giao quyền chủ động thiết kế kế hoạch cho giáo viên, người thầy được chủ động hơn trong đa dạng các phương thức dạy học và đánh giá học sinh.
Tuy còn nhiều bất cập, lúng túng trong thời gian qua, và có lẽ cả trong vài năm tới, nhưng khi vai trò người thầy được nâng cao, sức sang tạo không còn vị trói buộc bởi sách giáo khoa nữa, thì việc tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong công việc sẽ đến với các thầy cô thật sự có tâm huyết với nghề, với trò. Bên cạnh đó, học sinh cũng được “thoải mái” lựa chọn hơn những nội dung học, những môn học phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng tương lai của mình.
Ai đó đã nói “Hạnh phúc luôn mỉm cười với những ai dũng cảm, kiên trì và hăng say lao động”. Nhà giáo không nên đợi chờ hạnh phúc được ban, cho từ ai đó, bản thân họ phải tự thắp lên,và giữ ngọn lửa nghề cho mình và lan tỏa hơi ấm cho học sinh. Nhưng việc đó, tôi nghĩ sẽ dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn biết bao khi có sự chung sức, chung lòng của những nhà quản lý giáo dục và của xã hội đối với các thầy cô.
Nguyễn Hiếu Quân (Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng)
Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn "Làm thế nào để có trường học hạnh phúc?". Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn. Xin chân thành cảm ơn. |