Nguyễn Huy Thiệp là một chân dung lớn của văn đàn Việt Nam hiện đại. Đời văn của ông ghi dấu bởi những truyện ngắn xuất sắc với bút pháp độc đáo không thể trộn lẫn, sự không khoan nhượng khi đặt ra các câu hỏi cốt tủy về nhân sinh.
Nói đến Nguyễn Huy Thiệp là nói đến tài năng và sự dũng cảm của một nhà văn trên từng trang viết.
Theo Ban tổ chức, trong cuốn sách này có một số tác phẩm chưa từng được biết đến, hoặc đã xuất bản nhưng vì lẽ nào đó gần như bị lãng quên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Tại buổi tọa đàm, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bày tỏ: “Sau hơn 2 năm Nguyễn Huy Thiệp rời cõi tạm, từ giã trần thế về với thế giới bên kia, văn chương ông để lại sẽ còn sống lâu cùng văn học Việt Nam. Với tác phẩm này, mỗi lần mở sách ra đọc về Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta đều sẽ gặp lại ông. Vì vậy, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ có được vị trí trong Bảo tàng Văn học Việt Nam mà còn hiện hữu trong bảo tàng của trái tim, tấm lòng người đọc”.
Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn, người biên soạn cuốn sách khẳng định văn chương của Nguyễn Huy Thiệp đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn độc giả.
Chia sẻ thêm về lý do thực hiện tập di cảo, TS Mai Anh Tuấn tiết lộ, là một người thuộc thế hệ sau nhưng anh may mắn giữ mối quan hệ thân thiết với gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp 10 năm nay.
“Tuy rất ít lần tôi trò chuyện văn chương cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, hầu như các câu chuyện chỉ xoay quanh cuộc sống đời thường, có lúc cả hai không nói gì với nhau nhưng tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp, thân tình. Thời sinh viên, mỗi lần nhắc tới ông, đôi khi tôi thấy sợ hãi, nhưng khi ông rời khỏi cõi tạm, bản thân mới thấm thía cảm giác mất mát. Được gia đình cố nhà văn hỗ trợ, chúng tôi đã làm một cuốn di cảo, trong đó có những tác phẩm từng đăng báo, nhưng vì lý do nào đó ông không đưa vào những tập truyện ngắn của mình, cùng một số kịch bản phim lần đầu xuất hiện...”, diễn giả Mai Anh Tuấn tâm sự.
Về bức tranh minh họa bìa sách, người bạn thân thiết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, tên tập di cảo được lấy từ đoạn thơ trong truyện Chảy đi sông ơi của chính nhà văn, đã gợi ý cho anh vẽ nên bức tranh không theo lối hiện thực nhằm gợi mở hơn về nội dung - tựa như một dòng sông chữ chảy ngang qua khuôn mặt nhân vật, khẳng định ý tưởng đồ họa của họa sĩ và quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp.
“Khi con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đề cập đến việc chuẩn bị cho ra mắt tập di cảo và nhờ tôi vẽ tranh minh họa cho bìa sách, vì tình nghĩa với anh Thiệp, tôi đã vẽ hai bức gửi cho họ. Tuy không nói mình thích bức nào nhưng rất may, có lẽ anh Thiệp cũng 'rỉ tai' Nhã Nam theo một cách nào đó chọn đúng bức tôi thích hơn”, họa sĩ Lê Thiết Cương hóm hỉnh nói.
Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, bằng những ký ức và tình cảm đặc biệt của mình, các diễn giả đã đề cập đến chặng đường văn chương phi thường của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng như quan điểm sống và sáng tác của ông.