Hàng loạt động thái tháo gỡ khó khăn của Chính phủ như Nghị định 08/2023, Nghị quyết 33, hay giảm lãi suất của các ngân hàng góp phần đẩy nhanh quá trình “rã đông” của thị trường bất động sản.
Mới đây, Thủ tướng ký phê duyệt Nghị định 10, văn bản đầu tiên đã tác động trực diện vào những điểm nghẽn về pháp lý, trong đó giải quyết khó khăn của thị trường phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Những chính sách này đã và đang được chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng, thị trường bất động sản sắp “ấm” lên.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản SGO Homes đánh giá, các chính sách gỡ khó của Chính phủ sẽ giúp thị trường bất động sản có biến chuyển.
Theo ông Chung, Nghị định 10 chắc chắn sẽ cải thiện được tình hình giao dịch cho thị trường nghỉ dưỡng. Trong đó, tập trung ở những thị trường du lịch nổi trội như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long…
“Với thị trường đất nền, sang quý II sẽ có động thái nhà đầu tư bắt đầu đi mua và sẽ dần ổn định hơn, có thanh khoản. Thị trường chung cư ở các thành phố lớn như Hà Nội vẫn sẽ có mức giá tương đối cao, không kỳ vọng giá thấp hơn được; chỉ có thể tăng giá hoặc đi ngang”, ông Chung nhận định.
Tuy nhiên, theo vị này các nhà đầu tư khi đầu tư giai đoạn này nên sử dụng tập trung vào nguồn vốn có sẵn, thay vì dùng đòn bẩy tài chính để đảm bảo an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land chia sẻ, doanh nghiệp có niềm tin rằng, những khó khăn mang tính ngắn hạn.
“Chúng ta đã có hành động rồi. Giờ, từ phía doanh nghiệp là cần nỗ lực để vượt khó. Từng hành động được minh chứng qua thực tiễn khi sửa đổi luật liên quan thị trường bất động sản. Chúng tôi hy vọng năm 2023 cũng như thời gian tới, sẽ có những bước cải thiện tốt hơn”, bà Hương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, hàng loạt những động thái của Chính phủ đã tháo gỡ ba vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản là vốn, trái phiếu doanh nghiệp và điểm nghẽn pháp lý.
Trong đó, theo ông, điểm nghẽn về tín dụng và trái phiếu đã có những văn bản có giá trị, dù tác động của những văn bản này mang lại chưa nhiều, nhưng đã có những hiệu quả nhất định.
Đối với điểm nghẽn lớn nhất là pháp lý, các bộ, ngành cũng đang rất khẩn trương vào cuộc xây dựng các dự thảo để trình Thủ tướng ký.
Đặc biệt, Nghị định 10 được Thủ tướng ký duyệt, theo ông Đính, đây là văn bản đầu tiên, đã tác động trực diện vào những điểm nghẽn về pháp lý, giải quyết khó khăn, điểm nghẽn của phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
“Khi niềm tin của các nhà đầu tư đang yếu đi, chúng tôi cho rằng Nghị định 10 có thể tạo cú hích cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong giai đoạn tới”, ông Đính nói.
Cũng theo Chủ tịch VARS, trong quý II sẽ có nhiều các văn bản có tính quyết định đến việc tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý. Từ đó, tạo động lực cho các chính quyền địa phương có cơ sở, điều kiện để phê duyệt các dự án, nhất là những dự án đã gần hoàn thành nhưng vẫn đang chờ các quy định. Khi đó, thị trường có thể sẽ đón nhận các nguồn vốn mới.
“Phần lớn những điểm nghẽn, khó khăn của thị trường bất động sản trong quý II sẽ được tháo gỡ. Một phần trong hàng nghìn dự án đang vướng pháp lý sẽ được giải quyết, khơi thông. Tôi hy vọng, thị trường sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực hơn vào khoảng cuối quý II năm nay”, ông Đính nhận định.