Tại Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - thúc đẩy tăng trưởng” ngày 19/4, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam đánh giá, bất động sản gặp khó về nguồn cung, mặt bằng giá và tâm lý.
Hiện, nguồn cung rất khan hiếm trên thị trường, chỉ bằng khoảng 10% so với giai đoạn trước, có những phân khúc lượng cung giảm tới 79%. Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng gần như đóng băng nhiều năm nay.
Giá bán bất động sản sụt giảm mạnh. Mức chiết khấu lên đến 10 – 25% so với cùng kỳ. Khảo sát tại khu vực TP.HCM và phụ cận cho thấy, phân khúc đất nền giá bán thứ cấp đã giảm từ 10 – 14%, căn hộ giảm 6 – 17%, phân khúc nhà phố/ biệt thự ghi nhận mức giảm mạnh nhất 10 – 25%. Tuy nhiên vẫn rất ít giao dịch.
“Có những dự án có mức giảm cao hơn lên tới 40 – 50% ở cả thị trường thứ cấp và sơ cấp, tập trung ở những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn và những nhà đầu tư mua bất động sản ở những dự án có vấn đề pháp lý, chủ đầu tư gặp trục trặc về tài chính. Nhưng vấn đề đặt ra là dù giảm giá tới 50% vẫn không có thanh khoản khiến thị trường, đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản, không biết giá thị trường ở cận biên nào” – ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, điều này xuất phát từ tâm lý chờ của thị trường, người mua chờ thị trường "tạo đáy", mất lòng tin vào chủ đầu tư; chần chừ vay mua bất động sản do lãi suất dù giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết, thời điểm 2011-2013, thị trường bất động sản xảy ra khủng hoảng thừa, hàng hóa nhiều nhưng không hấp thụ được vào thị trường.
Thời điểm này thì ngược lại, quá thiếu nguồn hàng, các phân khúc không đồng đều, thiếu sản phẩm phù hợp với thị trường.
Thực thi chính sách: Cần nhanh hơn
Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, mỗi khi thị trường bất động sản lao dốc thì chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng giảm sút và rơi vào cảnh khó khăn. Nếu không đủ năng lực tài chính để xử lý thì sẽ lan sang nhiều lĩnh vực khác.
Theo ông Nghĩa, vấn đề không chỉ là tìm cách phục hồi thị trường, mà còn là ngăn chặn rủi ro lớn với hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính.
Còn theo ông Đính, để giải quyết triệt để vấn đề thị trường cần xử lý chính sách nhanh hơn, chi tiết hơn, đặc biệt với nhà ở xã hội. Trong giai đoạn này, đây là sản phẩm này sẽ kích hoạt giao dịch tốt hơn trên thị trường, vốn đang trong tình trạng thiếu giao dịch trầm trọng. Có sản phẩm phù hợp thì chỉ số giao dịch sẽ tăng lên, các guồng quay được kích hoạt, ổn định trở lại.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và sớm ban hành các quy định quy trình xử lý hồ sơ thủ tục cho các nhà đầu tư, trong đó có các khâu chuyển nhượng dự án, đấu thầu đấu giá, phê duyệt giá đất, lựa chọn chủ đầu tư…
Ông Vương Duy Dũng - Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành địa phương thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường.
Nhiều giải pháp được triển khai đã có kết quả cụ thể và tác động tích cực với thị trường. Tại thời điểm này Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi 3 chính sách rất quan trọng: Luật Đất đai, Luật nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Những nội dung như chính sách về chuyển nhượng dự án bất động sản và nhiều nội dung khác đã được sửa đổi, bổ sung, Quốc hội cơ bản rất đồng tình và cho thêm một số ý kiến để Chính phủ sửa đổi và nghiên cứu, trình Quốc hội trong cuộc họp tháng 5 tới.