Trong 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 161 vụ tàu thuyền gặp tai nạn, sự cố trên biển. Các lực lượng đã cứu và hỗ trợ 420 người bị nạn trên biển, tuy nhiên, vẫn còn 83 người bị chết và mất tích, nhiều tàu thuyền bị hư hỏng nặng.
Trong số các lực lượng cứu hộ cứu nạn trên biển không thể không nhắc đến cán bộ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam.
Với lực lượng nhân sự tinh nhuệ, trang thiết bị hiện đại, trong thời gian qua, Trung tâm đã cứu hộ, cứu nạn thành công nhiều vụ tai nạn trên biển.
Điển hình là tình huống xảy ra ngày 19/7, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm) nhận được thông tin báo nạn từ một tàu nước ngoài phát hiện một tàu cá bị chìm, có 3 người đang trôi dạt trên biển tại vị trí cách Nam Đông Nam Côn Đảo khoảng 145 hải lý.
Đây là vùng biển trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia. Trung tâm đã lập tức kích hoạt phương án tìm kiếm cứu nạn, thông báo cho các cơ quan cứu nạn của Singapore, Malaysia, Indonesia phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời yêu cầu các tàu biển Việt Nam và quốc tế đang hoạt động trong khu vực cơ động nhanh đến hiện trường để tìm kiếm và cứu các nạn nhân trôi dạt trên biển.
Bộ GTVT, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Hàng hải Việt Nam đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm điều động tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 413 đang ứng trực tại Côn Đảo ra hiện trường chỉ huy, điều hành các lực lượng trong nước và quốc tế để tìm kiếm và thực hiện hoạt động cứu nạn.
9 giờ 45 phút ngày 19/7, lực lượng cứu nạn tại hiện trường cứu được 3 người đang trôi dạt trên biển, đến 10 giờ 45 phút cùng ngày, tiếp tục phát hiện và cứu thêm 1 người tại khu vực lân cận.
Qua khai thác thông tin, tàu bị nạn là tàu cá mang số hiệu BĐ 30947 TS, có 6 thuyền viên, bị chìm vào khoảng hơn 6 giờ sáng ngày 19/7. Đến 8 giờ 15 phút ngày 21/7, 4 thuyền viên được cứu của tàu BĐ 30947 TS đã được tàu SAR 413 đưa về Côn Đảo để tiến hành cấp cứu kịp thời.
Ông Bùi Văn Minh, Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.200km.
Trong những năm gần đây thời tiết khu vực biển của Việt Nam biến đổi khó lường, bão, gió, sóng và đặc biệt là gió mùa đông bắc, khiến các phương tiện nhỏ gặp nguy hiểm trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo rất sát sao từ đầu năm, đặc biệt Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã lập kế hoạch chốt chặn tại các vị trí xung yếu, đưa các lực lượng phương tiện tìm kiếm cứu nạn cũng như phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để có kế hoạch sát, chủ động và linh hoạt trong việc ứng phó sự cố thiên tai.
Ông Minh cũng thông tin thêm, hiện nay Bộ GTVT đã quan tâm chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam đóng mới một tàu tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ dài 63m, có thể hoạt động tại các vùng biển của Việt Nam, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, vừa qua Chính phủ Nhật Bản cũng hỗ trợ Trung tâm khoản viện trợ không hoàn lại bằng các thiết bị tìm kiếm cứu nạn chuyên dùng.
Đại diện Trung tâm cũng thông tin thêm, hiện ngành Hàng hải đang có hệ thống thông tin duyên hải hiện đại và được Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ trang bị cho một hệ thống dự báo và xây dựng phương án tìm kiếm cứu nạn.
“Chúng tôi có thể xác định được các phương tiện hoạt động tại các vùng có xảy ra tai nạn. Vì thế ngoài việc huy động tàu chuyên dụng đi cứu nạn, còn huy động các lực lượng tại chỗ tham gia cứu nạn. Ví dụ có những tai nạn xảy ra ngoài khơi, cách bờ biển 200-300 hải lý, trên cơ sở hệ thống thông tin liên lạc chúng tôi xác định tại khu vực đó có tàu thuyền nào đang hoạt động, chúng tôi yêu cầu các tàu thuyền đó tìm kiếm cứu nạn, sau khi cứu nạn được rồi, chúng tôi sẽ tiếp nhận và đưa người bị nạn về bờ. Đây là phương thức mới áp dụng khoa học công nghệ trong tìm kiếm cứu nạn, phù hợp với thời đại 4.0 hiện nay”, ông Minh thông tin.