Hiền Trang là nhà văn 9X có sức viết khỏe, bền bỉ và đa dạng. Cô không chỉ sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết mà còn viết các dạng bài phê bình, phỏng vấn ở các mảng điện ảnh, âm nhạc và sách.
Những sáng tác của Hiền Trang thường mang đậm màu sắc hư ảo kết hợp với ngôn ngữ trau chuốt, sắc sảo. Tác phẩm gần nhất của cô vừa ra mắt vào tháng 6/2023 - 'Những khán giả ngồi trong bóng tối' do NXB Kim Đồng xuất bản.
- Viết văn có phải mơ ước từ nhỏ hay có sự kiện nào khiến chị quyết liệt theo nghiệp sáng tác? Trong một bài hát của Đỗ Bảo có câu: “Giờ là lúc sống giấc mơ đời mình” - với Hiền Trang, đây có phải là thời điểm lý tưởng để hiện thực hóa những ước mơ?
Nghĩ lại thời điểm bắt đầu thử viết, tôi vẫn thấy khó tin sao lúc đấy mình lại... khờ dại thế. Tôi không hề mường tượng ra viết văn ra sao, nhà văn là như thế nào, in sách kiểu gì, vậy mà “nhảy bổ” viết ngay một cuốn truyện dài. Tôi vẫn có chút xấu hổ khi nghĩ về sự khởi đầu đó. Nhưng hình như đôi khi trong đời, con người ta vẫn cứ phải vừa tự tin, vừa ngốc nghếch để làm những điều chưa từng... Lúc đó, tôi cố gắng vừa viết, vừa kiếm sống cho gia đình không phải lo lắng.
Sau 8 năm, giờ tôi đã thoải mái hơn, có lẽ đúng là thời điểm sống giấc mơ, được viết điều mình thích, được sống gần nhất với phiên bản lý tưởng. Song những giấc mơ lạ lắm, khi đã đạt được tự nhiên những giấc mơ khác nảy sinh…
- Đọc văn của Hiền Trang dễ nhận thấy nó “thoát ly” với đời sống thực tiễn. Có bao giờ chị nhận được phản hồi của người đọc cho rằng những tác phẩm như vậy không có ý nghĩa gì với cuộc đời này chưa?
Đúng là tôi đã bắt đầu viết văn với tâm thế được sống trong một thế giới của cái đẹp thuần tuý. Hôm trước tôi đọc một bài phỏng vấn của nhà văn Hồ Anh Thái rất tâm đắc, ông bảo trong “Nghệ thuật” thì chữ “Nghệ” quan trọng lắm. Kể chuyện thôi chưa đủ, kể chuyện sao cho “Nghệ” mới là văn chương.
Nhưng với tôi thì ngược lại, có thể là ngày trước quan tâm quá nhiều tới chữ “Nghệ” mà đôi khi quên mất phải kể chuyện nữa. Viết ngôn ngữ đẹp rồi, nhưng còn phải đem ngôn ngữ ấy kể câu chuyện có đủ sức nặng. Đó là lý do mà những tiểu thuyết sắp tới, tôi sẽ tập trung vào các chủ đề sinh thái - môi trường, những thiết chế xuất bản và cả mảng đề tài về tâm lý, lịch sử.
- Những sáng tác của Hiền Trang rất ấn tượng. Từ ‘Giấc mộng lang thang trên cánh đồng cỏ úa’, ‘Dưới mái hiên đêm những người khách lạ’ đến ‘Những khán giả ngồi trong bóng tối’, chị thường suy ngẫm và tìm kiếm ý tưởng từ đâu? Phải chăng đó là sự kết nối chặt chẽ của nguồn kiến văn rộng lớn cùng trí tưởng tượng vô cùng?
Tôi nghĩ cảm hứng có ở bất cứ đâu, nhưng một cảm hứng khó mà thành một tác phẩm được, dù là truyện ngắn hay thơ ca chứ không nói tới tiểu thuyết. Mỗi tác phẩm văn học là sự cộng dồn của hàng ngàn cảm hứng, mỗi câu mình viết ra đã phải có cảm hứng chứ không chỉ là tổng thể câu chuyện lấy ý tưởng từ đâu.
Có một “bài tập thực hành” mà tôi hay làm, đó là kết nối nhiều cảm hứng với nhau. Ví dụ ở Những khán giả ngồi trong bóng tối, có một truyện vừa lấy cảm hứng từ Chí Phèo của Nam Cao, nhưng cũng mượn cả ý tứ từ Trăm năm cô đơn và những tác phẩm hiện thực huyền ảo khác của Nam Mỹ.
- Trong tập truyện ngắn mới nhất về những nhân vật nổi tiếng trong chương trình SGK, Hiền Trang đã đặt họ ở các góc nhìn mang tính huyền ảo. Đây có lẽ là lựa chọn khá mạo hiểm bởi các nhân vật đã được định hình tính cách qua nhiều thế hệ học trò. Chị có thể chia sẻ những lo lắng hay kỳ vọng khi sáng tác tập truyện?
Đối với một người hay bị gọi là “rất Tây” như tôi thì tập truyện Những khán giả ngồi trong bóng tối là bước ngoặt trong con đường sáng tác: trở về nguồn cội, trở về với tâm thức của người Việt Nam.
Tôi lấy cảm hứng từ Chí Phèo, Xuân Tóc Đỏ, chị Dậu, Mị - A Phủ, giáo Thứ rồi các nhân vật trong những tác phẩm nổi tiếng mà ai cũng học trong nhà trường như Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Chiếc lược ngà, Chiếc thuyền ngoài xa; và cả những tác phẩm như Hồn bướm mơ tiên, Người ngựa - ngựa người kết hợp với cảm hứng “bên ngoài” như chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực, văn chương sinh thái, phong cách gothic, noir... Tất cả điều này cho phép tôi phản chiếu lại quá khứ từ một điểm nhìn khác.
Ví dụ, tôi tưởng tượng về cảnh chạy trốn của Mị và A Phủ là một chặng bay theo nghĩa đen, mọc cánh như những con ngài tự do; hay một cuộc đấu quần vợt giữa Xuân Tóc Đỏ với Diêm Vương, để xem Diêm Vương liệu có tránh được “cú bịp” của Xuân Tóc Đỏ hay chăng?
Tôi mường tượng đứa chắt của Chí Phèo vẫn dính lời nguyền của dòng tộc - như trong Trăm năm cô đơn có lời nguyền “cái đuôi lợn” - và anh ta trở về Vũ Đại mong chữa dứt lời nguyền ấy; và câu chuyện một con voi rừng đã chết để hiến ngà cho người cha làm lược tặng con gái... Có thể sẽ có người thích, người không - nhưng cái gì cũng vậy thôi. Luôn có sự ủng hộ và phản đối.
- Một câu hỏi rất cũ, nhưng là suy tư thường trực đối với những người viết. Tản Đà từng nói “văn chương hạ giới rẻ như bèo”.... Rất nhiều cây bút đang chật vật với đời sống và giấc mộng văn chương. Chị có thể chia sẻ về điều này cũng như cách chị tìm được điểm cân bằng để bền bỉ sáng tác?
Không phải riêng Việt Nam mà ở đâu cũng vậy, tôi nghĩ văn chương là con đường khó theo đuổi tận cùng. Có thể viết một, hai cuốn sách thì thích nhưng bảo cứ viết mãi, viết mãi cũng đòi hỏi nhiều... chi phí cơ hội. Bù lại, văn chương vẫn cho chúng ta nhiều món quà bất ngờ. Lâu lâu, tôi vẫn nhận được những lời mời, những sự biệt đãi vô giá mà nếu không “dại dột” khởi bút vào 8 năm trước, chắc tôi không có các cơ hội ấy.
- Rất nhiều tác giả nổi tiếng được nhắc tới hoặc ẩn hiện trong sáng tác của Hiền Trang như Nabokov, Murakami, Shakespeare, Kafka… Chị có thể chia sẻ cho người đọc về nhà văn mình yêu thích, cũng như một số cuốn sách hay gợi ý cho độc giả?
Tôi vừa nghiền ngẫm xong Pale Fire (Lửa Nhạt) của Nabokov. Đây là lần thứ hai tôi đọc cuốn sách này, lần đầu tiên là bằng bản gốc tiếng Anh. Lâu lắm rồi mới có một thứ khiến tôi muốn hy sinh giấc ngủ. Đọc những tác phẩm như thế không hẳn là sở thích đâu, mà là sự lao động cực kỳ nhọc nhằn khi cứ liên tục phải tra từ điển. Nhưng nếu không làm vậy mình sợ bỏ lỡ một từ hay, bỏ lỡ tinh tuý nào đó của Nabokov.
Đọc các nhà văn lớn, tôi nghĩ là để có những cảm giác như thế, cảm giác được đứng dưới mặt trời, dưới một bầu trời đầy vì sao choáng ngợp..
Tác giả Hiền Trang
Hiền Trang sinh năm 1993. Từ năm 2015, cô đều đặn cho ra mắt những tác phẩm: Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ - 2015, Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi - 2016, Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa – 2018 (tập truyện ngắn, giải 3 Văn học tuổi 20 lần 6), Dưới mái hiên đêm - những khách lạ (tập truyện ngắn, 2020), Chopin biến mất (tiểu thuyết, giải 4 Văn học tuổi 20 lần 7 - 2022).
Năm 2022, Hiền Trang đại diện Việt Nam tham gia International Writing Program của Đại học Iowa, Mỹ cùng với 33 tác giả, nhà văn đến từ nhiều quốc gia. Đây là chương trình viết văn quốc tế tổ chức thường niên từ năm 1967, Việt Nam từng có các nhà văn đại diện tham gia như: Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Châu Giang, Hữu Việt, Văn Cầm Hải, Phan Hồn Nhiên...