Phường Yên Giang bắt tay vào triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số từ tháng 4/2022. Đến trước khi thực hiện mô hình thí điểm “Xã, phường chuyển đổi số”, công tác này trên địa bàn phường đã đạt những kết quả nhất định.
Phường đã trang bị cơ bản đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và công tác chuyên môn của cán bộ công chức.
Tổ công nghệ số cộng đồng phường cũng đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đăng ký định danh điện tử và cài đặt ứng dụng VNeID; hướng dẫn doanh nghiệp, người dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử…
Bà Lê Thị Ngọc Linh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Yên Giang, cho biết: Xây dựng mô hình phường chuyển đổi số là việc làm mới và khó, chưa có tiền lệ, nhất là đối với một đơn vị được chọn làm thí điểm để nhân rộng trên địa bàn thị xã. Đối chiếu với các nội dung cần thực hiện, tại thời điểm tháng 8/2023, phường cũng đã triển khai được nhiều nội dung.
Song các nội dung đã và đang thực hiện vẫn chưa đảm bảo đủ tiêu chí của mô hình. Do vậy, phường tổ chức họp triển khai kế hoạch, phân công giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, công chức, lực lượng công an, đội xung kích, tổ công nghệ số cộng đồng, trưởng khu phố; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm triển khai kế hoạch hiệu quả nhất.
Đến nay Yên Giang có 100% điểm nhà văn hóa khu phố, trường học, điểm vui chơi được lắp đặt wifi miễn phí; 95% thuê bao điện thoại chính chủ chuẩn hóa thông tin; 99,3% người dân trong độ tuổi có điện thoại thông minh, 95% trong số đó được định danh điện tử mức độ 2; 99% số gia đình biết sử dụng dịch vụ công quốc gia; 95% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện, nước, thuế, phí và giao dịch mua sắm không dùng tiền mặt…
Được biết, mô hình “Xã, phường chuyển đổi số” được triển khai thí điểm ở phường Yên Giang và xã Cẩm La với yêu cầu thực hiện 22 nhiệm vụ; trong đó có 4 nhiệm vụ chính quyền số, 4 nhiệm vụ kinh tế số, 14 nhiệm vụ xã hội số. Sau 40 ngày triển khai, hiện phường Yên Giang đã hoàn thành 14/22 nhiệm vụ, xã Cẩm La đã hoàn thành 11/22 nhiệm vụ.
Cụ thể, về chính quyền số, 2 địa phương đã hướng dẫn khai thác triệt để các phần mềm thuộc hệ thống chính quyền điện tử trong cơ quan nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức thực hiện ký số văn bản điện tử và ký số đầy đủ các bước giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% sử dụng biên lai điện tử, thay thế toàn bộ biên lai giấy; 100% các cơ quan, đơn vị đã được cấp địa chỉ số thực hiện gắn biển địa chỉ số. Riêng phường Yên Giang đã thí điểm kết nối trực tuyến từ UBND thị xã tới các thôn, khu phố.
Yên Giang và Cẩm La đều đã xây dựng 3-5 điểm nạp, rút tiền kết hợp thanh toán dịch vụ; tạo lập điểm đến và quảng bá hình ảnh các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên Google Maps; lập các fanpage mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Phường Yên Giang đã định vị điểm đến cho 46/46 cơ sở kinh doanh, đạt 100%; xã Cẩm La đã định vị điểm đến cho 20/58 cơ sở kinh doanh, đạt hơn 30%.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TX Quảng Yên, cho biết: Kết quả triển khai thí điểm mô hình phường, xã chuyển đổi số tại 2 địa phương được lựa chọn là khá khả quan. Một số chỉ tiêu liên quan đến người dân, công dân số dù chưa đạt 100% nhưng cũng đã đạt tỷ lệ rất cao như: Chỉ tiêu cài đặt ứng dụng VNeID, chữ ký số cá nhân, dịch vụ công trực tuyến…
Mô hình đã từng bước làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số, hiểu rõ hơn về chuyển đổi số, thấy được trách nhiệm của cá nhân trong cuộc cách mạng 4.0. Từ đó có nhiều hành động tích cực để sớm đạt được các mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn.
Việc xây dựng thành công mô hình "Xã, phường chuyển đổi số" sẽ mang ý nghĩa đột phá trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn. Mô hình đã xác định được những nhiệm vụ cơ bản, nền móng để một phường, xã cần phải thực hiện trước khi xây dựng trục chính quyền số - kinh tế số - xã hội số.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TX Quảng Yên tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình tới các xã, phường trên địa bàn; trong đó ưu tiên tập trung hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ, nền tảng số thiết yếu; đầu tư đảm bảo hạ tầng mạng wifi tại các nhà văn hóa, hệ thống camera an ninh khu dân cư; kích cầu người dân sử dụng điện thoại thông minh trước khi sóng 2G chính thức bị ngắt...
Theo Hoàng Anh (Báo Quảng Ninh)