Từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức bị "khai tử". Theo Bộ Công an, có 7 phương thức để thay thế sổ hộ khẩu, trong đó chủ yếu thực hiện trên không gian Internet. Tuy nhiên, nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt" khi bỏ hộ khẩu giấy nhưng người dân lại phải ngược xuôi đi xác nhận cư trú. PV VietNamNet trực tiếp ghi nhận tại các địa phương.
Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Không nên đẩy hết việc khó cho dân
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1/1/2023 theo quy định của Luật Cư trú là hoàn toàn đúng.
“Thời đại cách mạng công nghệ 4.0 mà cứ loay hoay mãi với sổ hộ khẩu giấy thì cũng không ổn. Tuy nhiên, việc này cũng có những trục trặc nhất định khi công dân đi giải quyết thủ tục hành chính”, ông Giang nói.
Theo ông Giang, nguyên nhân dẫn đến những ‘trục trặc’ là do chưa có sự kết nối liên thông giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của ngành nghề khác.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu ví dụ, người dân ra ngân hàng vay tiền đang gặp khó khăn nhất định khi phải chứng minh tình trạng hôn nhân.
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Giang, không còn cách nào khác là phải đẩy nhanh tiến độ kết nối tất cả các dữ liệu về y tế, bảo hiểm, địa chính… với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Các dữ liệu này liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, địa phương. Do vậy, Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan cùng vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ kết nối dữ liệu giữa các ngành nghề”, ông Giang nhấn mạnh.
Cùng vấn đề trên, ĐBQH Trương Xuân Cừ (Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam) đề xuất trong thời gian chờ liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, nên tiếp tục chấp thuận cho công dân dùng sổ hộ khẩu giấy đi giải quyết thủ tục hành chính hoặc có thể kéo dài hiệu lực của giấy xác nhận cư trú (hiệu lực hiện là 1 tháng).
“Thủ tướng đã chỉ đạo không yêu cầu xác nhận cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính. Yêu cầu đó là rất kịp thời vì không nên thêm giấy tờ và đẩy hết việc khó cho dân”, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu quan điểm.
Đại biểu Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng ý kiến: “Đây là lỗi của cơ quan công quyền chứ không phải của người dân. Do vậy, chúng ta phải nhanh chóng khắc phục tình trạng này”.
Nhiều "lực cản"
PV VietNamNet có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Văn Tấn - Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06-Bộ Công an) để tìm hiểu cặn kẽ về nguyên nhân của sự "phiền hà" mà người dân đang gặp phải.
Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết, sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, Bộ Công an chủ động thành lập đoàn khảo sát và ghi nhận phản ánh của dư luận khi thực hiện thủ tục hành chính, chủ yếu vào bộ phận một cửa.
Kết quả cho thấy, phần lớn các đơn vị chức năng dù đủ điều kiện tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng không thực hiện, vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú.
"Việc này gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho công dân, tạo nên bức xúc trong dư luận xã hội", Đại tá Vũ Văn Tấn nhấn mạnh.
Theo Phó Cục trưởng C06, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy được quy định trong Luật Cư trú năm 2020. Để việc bỏ sổ hộ khẩu giấy không gây phiền hà, Bộ Công an đã chuẩn bị các điều kiện, giải pháp.
Cụ thể, có hai phần việc khó nhất gồm: Xây dựng hạ tầng dữ liệu và pháp lý thực hiện Luật Cư trú, bỏ sổ hộ khẩu giấy, tạm trú giấy. Hai nội dung này Bộ Công an hoàn thành trước thời điểm sổ hộ khẩu giấy chính thức bị "khai tử".
Về hạ tầng dữ liệu và pháp lý, Bộ Công an triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đưa vào sử dụng gần 2 năm nay để phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định. Nghị định 104 (do Bộ Công an tham mưu Chính phủ) cũng quy định việc cơ quan có thẩm quyền sử dụng thông tin về cư trú của công dân để giải quyết thủ tục hành chính.
Từ rất sớm, Bộ Công an đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dân cư với 18 trường thông tin cần thiết đối với mỗi công dân. Đây được xem là "hộ khẩu điện tử" có hiệu lực khi thực hiện các thủ tục hành chính hiện hành.
"Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đã có sẵn các trường thông tin, việc của các bộ ngành là hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện, là hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật để kết nối khai thác, sử dụng thông tin trong đó", Đại tá Tấn nêu.
Tuy nhiên, những con số thống kê hiện nay cho thấy hộ khẩu điện tử vẫn chưa được các bộ, ngành, địa phương sử dụng đúng công năng của nó. Cụ thể, bên cạnh các địa phương như Hà Nội, Yên Bái, Tuyên Quang... kết nối rất tốt với cơ sở dữ liệu dân cư thì còn nhiều địa phương chưa thể kết nối hoặc số lượt thực hiện quá ít.
"Nhiều địa phương mặc dù đã kết nối, hoặc đủ điều kiện kết nối nhưng vẫn hạn chế trong khai thác, sử dụng thông tin dân cư như: Sơn La 0 lượt; Bình Phước 10 lượt; Vĩnh Long 4 lượt; Hà Giang 22 lượt; Hòa Bình 16 lượt; Đắk Nông 24 lượt; Quảng Nam 27 lượt....", Đại tá Vũ Văn Tấn thông tin.
Luật quy rõ trách nhiệm đến từng cán bộ
Về bức xúc của người dân khi liên tục được cán bộ yêu cầu sang công an phường xin xác nhận cư trú, đại diện Cục C06 khẳng định: Nếu có nhiều cách để xác minh cư trú mà bắt dân đi xin giấy là "hành dân".
Đặc biệt, đại diện Cục C06 cho biết, Luật Cư trú năm 2020 nêu rõ trách nhiệm trong việc thực hiện bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đến tận cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 107 năm 2021 thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính phải thực hiện kiểm tra dữ liệu điện tử của các thành phần hồ sơ thủ tục hành chính.
Nghị định 107 cũng nêu rõ trường hợp cá nhân, tổ chức xuất trình giấy tờ và được kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu liên quan thì "không phải khai lại thông tin hoặc nộp lại hồ sơ, giấy tờ, tài liệu...".
Phó Cục trưởng C06 thông tin, Bộ Công an đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú.
Đặc biệt, phải nhanh chóng hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật để kết nối khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Muốn chuyển đổi số thành công thì trước tiên tư duy của người lãnh đạo ở từng cấp trong đó có các cán bộ, công chức phải được chuyển đổi trước. Muốn thực hiện thành công Đề án 06 và chuyển đổi số quốc gia thì không chỉ riêng Bộ Công an chuyển đổi mà các bộ, ngành, địa phương cũng phải “chuyển mình” cả về tư duy nhận thức và phương thức hành động. |
Mời quý độc giả xem thêm ghi nhận trong tuyến bài: