Xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị nằm sát biên giới tỉnh Savanakhet, Lào, với diện tích chưa đầy 125km2 chủ yếu là rừng núi thuộc dãy Trường Sơn. Trong địa bàn xã có con thác Chênh Vênh, địa hình hiểm trở đúng như tên gọi, quanh năm tuôn bọt nước trắng xóa xuống lòng hồ xanh ngắt.
Người dân ở Hướng Phùng chủ yếu là người Vân Kiều sống khá rải rác, đường giao thông tới các vùng trung tâm thị xã và vùng phụ cận tương đối khó khăn. Thác Chênh Vênh vốn là một điểm sáng tiềm năng có thể thu hút khách du lịch, nhưng chưa có đầu tư phù hợp, trong khi nguồn lực và kiến thức của bà con còn hạn chế, nên các hoạt động du lịch chưa thực sự phát triển. Chính vì thế nên bà con chủ yếu sống bằng chút nghề nông tự cung tự cấp và khai thác tài nguyên rừng tại địa phương. Cứ thế tài nguyên rừng dần bị bào mòn.
Chị Hồ Thị Hui (34 tuổi) xóm RV Thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng đã có 4 đứa, đứa nhỏ nhất 11 tuổi, đứa lớn đã 17 tuổi, chia sẻ: “Ở xóm này mọi người vẫn lên rừng khai thác gỗ hay đi săn. Trước đây khi lên rừng tôi gặp được nhiều loài động vật nhưng hiện nay không còn thấy nữa, kể cả con dúi”.
Tháng 5/2022, trong khuôn khổ Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), tổ chức Helvetas phối hợp với chính quyền địa phương kết nối được công ty Ken Travel với cộng đồng để đồng hành cùng nhau nâng cấp du lịch tại Chênh Vênh. Helvetas xác định đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là con thác rất phù hợp để làm du lịch, giúp bà con phát triển sinh kế để giảm thiểu các hoạt động tác động xấu tởi rừng. Khởi đầu không hề dễ dàng khi bà con còn e ngại, đặc biệt là thiếu vắng sự tham gia của các chị em phụ nữ.
“Tôi có chuyến khảo sát thực địa đầu tiên tại thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vào những ngày giữa tháng 7/2021. Qua những lần tiếp xúc với cộng đồng thôn Chênh Vênh, tôi luôn thắc mắc vì sao trong những lần họp với dự án và chính quyền địa phương thì chỉ có 100% là đàn ông. Có chăng sau buổi họp thì xuất hiện một chị rón rén lên nhà cộng đồng (nơi tổ chức họp) để dọn dẹp nhưng cũng rất e ngại và né tránh tất cả ánh mắt của người xung quanh. Có lần tôi lân la hỏi các cán bộ địa phương và học viên nam vì sao không thấy các chị tham gia. Các anh kể thật lòng là khi có người lạ và người quan trọng thì sợ các chị nói điều gì đó sai nên khi có khách các chị sẽ tránh mặt đi, chị Cao Thị Khánh Chi, Cán bộ Du lịch sinh thái, Helvetas, chia sẻ.
Nhận thấy để làm du lịch ở đây không phải là điều dễ dàng, các cán bộ dự án xác định yếu tố con người rất quan trọng và cần có sự thay đổi, nâng cao dần về mặt nhận thức, kỹ năng. Sau khi kết nối và có sự cam kết phối hợp từ doanh nghiệp, Helvetas cùng với đối tác địa phương là công ty Ken Travel tổ chức các đợt tập huấn để nâng cao năng lực cho bà con về vận hành du lịch sinh thái. Với các nỗ lực thúc đẩy từ các cán bộ dự án và chính quyền, lớp tập huấn đầu tiên về những kiến thức chung làm du lịch đã có sự tham gia của 2 người phụ nữ. Mặc dù các chị chỉ ngồi và lắng nghe, chưa hề phát biểu ý kiến nhưng đó cũng là sự tiến bộ đáng mừng.
Dần dần sự thay đổi đã trở nên rõ rệt hơn. Trong các đợt tập huấn sau, bà con đã tích cực tham gia chủ động, phấn khởi hơn rất nhiều. Đặc biệt là ngày 8/8 vừa qua trong đợt tập huấn thứ 3, đã có tới 13 chị phụ nữ tham gia. Chị Hui đã thực sự “tỏa sáng” khi chủ động biểu diễn và đề xuất các tiết mục múa hát để chào đón khách du lịch. Sắp tới dự án hướng dẫn dịch vụ lưu trú, văn nghệ, Hui và các phụ nữ khác sẽ là thành phần “cốt cán” tham gia.
Từ tháng 7 tới nay, đã có 60 người dân ở Hướng Phùng tham gia các lớp tập huấn của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học và được trang bị các kiến thức, kỹ năng về các dịch vụ du lịch sinh thái, từ việc dựng lều trại, đảm bảo an toàn cho du khách, cho tới trang trí homestay... Với những kỹ năng học được, cũng như có sự kết nối với khách du lịch từ công ty Ken Travel, bà con ở Hướng Phùng đã bước đầu có thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ cho khách du lịch, như cung cấp homestay, hướng dẫn khách, nấu ăn…
Chị Hui phấn khởi chia sẻ: “Bây giờ có dự án lên hỗ trợ là chúng tôi phấn khởi và mừng lắm. Mỗi ngày tôi kiếm được 200 nghìn/đoàn từ du lịch, mỗi tháng có khoảng 5-7 đoàn khách. Làm du lịch kiếm được nhiều tiền hơn thì chúng tôi sẽ cho con ăn uống sung sướng hơn, mặc áo quần đẹp hơn. Trước đây con phải đi bộ để đi học, nếu có tiền tôi sẽ mua xe cho con đi học”.
Anh Hồ Văn Lý, một trong số các học viên, hào hứng nói: “Trước đây chúng tôi còn vào rừng đi săn, lấy gỗ. Hiện tại, chúng tôi làm cà phê, làm ruộng, trồng cây bời lời, trồng sắn, lấy măng, và làm du lịch. Chúng tôi tự hào về văn hóa dân tộc và muốn khôi phục văn hóa để thu hút khách nhiều hơn. Giờ tôi sẽ mở TikTok để quảng bá sản phẩm đến khách du lịch”.
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học, Dự án VFBC do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và được WWF phối hợp cùng với Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn và các tổ chức phi chính phủ triển khai. Phát triển du lịch sinh thái gắn kết với bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những định hướng chiến lược quan trọng của dự án và đang được Helvetas phụ trách thực hiện tại các vùng dự án.
Có thể nói chính sự tâm huyết của các án bộ dự án, sự tôn trọng giá trị của cộng đồng đã đem đến sự đổi thay. Điều đáng mừng nhất là các lớp tập huấn đã mang lại sự tự tin cho bà con để tự làm du lịch bằng chính sức mạnh cộng đồng với sự đồng hành của Dự án và Doanh nghiệp. Với chính sự tự tin này, bà con sẽ có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào rừng, phát triển sinh kế một cách bền vững đồng thời bảo vệ và gìn giữ hệ sinh thái rừng tại địa phương.