Trên địa bàn tỉnh có các dân tộc cùng sinh sống, đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3%; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân tộc Dao chiếm 1,7%; dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%; ngoài ra còn có dân tộc Hoa và các dân tộc khác sống rải rác ở các địa phương trong tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa phi vật thể.
Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, đưa di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể là tài nguyên phong phú và trở thành sản phẩm du lịch lợi thế của tỉnh.
Hằng năm, các Trường đều xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của các DTTS, tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu về các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ và các đặc sản địa phương...
Với quyết tâm đưa văn hóa truyền thống vào trường học, những năm vừa qua, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT Mai Châu B đã vận dụng lồng ghép vào các môn học làm sao cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Đến nay việc đưa văn hóa truyền thống lồng ghép giảng dạy cho học sinh đã trở thành một hoạt động thường xuyên của nhà trường với nhiều hình thức phong phú.
Thời gian qua, việc giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống cho học sinh DTTS đã được nhân rộng tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.
Nhờ được tiếp xúc thường xuyên với các hoạt động văn hóa và thông qua hoạt động văn hóa mà học sinh tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú có cơ hội nâng cao hiểu biết và giữ gìn được bản sắc của dân tộc mình, đồng thời có cơ hội được giao lưu, biết và tôn trọng văn hóa của các dân tộc thiểu số khác.
Không chỉ ở hệ thống các trường Phổ thông DTNT, việc đưa văn hóa truyền thống vào trường học là một trong những nội dung của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được ngành giáo dục Hòa Bình triển khai thực hiện tại các đơn vị trường học trong toàn tỉnh.
Đặc biệt theo Quyết định 209/QÐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch về việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình đã tuyên truyền vận động Ban giám hiệu các trường trên địa tỉnh mặc trang phục dân tộc đến trường; có quy định vận động, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc ít nhất 01 buổi/tuần tại các trường dân tộc nội trú và học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên là người dân tộc thiểu số tại các trường Tiểu học và THCS, THPT, trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Với những nỗ lực của toàn ngành giáo dục cùng sự ủng hộ từ học sinh tới phụ huynh và toàn xã hội, việc đưa văn hóa truyền thống vào trường học hướng tới mục tiêu giúp mỗi học sinh được bồi đắp trong mình niềm tự hào về truyền thống văn hóa, đoàn kết các dân tộc, phát triển cả về đức, trí, thể, mỹ.
Hồ Nhi