XEM CLIP:
Hàng nghìn tấn rác chình ình giữa rừng
Con đường độc đạo dẫn vào khu đất trồng rừng thuộc xóm Can (xã Độc Lập, thành phố Hoà Bình) được san gạt vội vàng làm đường cho xe chở rác thải sinh hoạt len lỏi qua những rừng keo 4 – 5 năm tuổi đang độ sung sức, lá xanh bóng nhẫy.
Một chiếc barie được dựng tại vị trí lối vào, có người canh gác 24/24 kèm theo tấm biển: không phận sự miễn vào.
Trên Google map và bản đồ định vị, nó hiển thị là một vệt vàng loang lổ chạy ngoằn nghoèo xuyên qua những thảm rừng xanh ngút, kéo dài hàng km dẫn vào một khu vực khác cũng bị cạo trọc, khoét thành bãi sâu, phủ bạt xanh bên trên.
Điều đáng nói, toàn bộ khu đất tập kết rác thải và con đường chở rác đều là đất trồng rừng sản xuất, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Bãi tập kết rác thải trước đó là khu đồi trồng keo của một hộ dân trên địa bàn xã Độc Lập (thành phố Hoà Bình) được giao để làm rừng sản xuất.
Tình trạng đổ rác thải lên đồi Độc Lập bắt đầu từ giữa năm 2021. Việc thu gom rác thải sinh hoạt do Công ty cổ phần Môi trường Đô thị đảm nhận. Việc vận chuyển rác tập kết tại khu vực nói trên do Công ty Cổ phần Môi trường Hoàng Long (doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình) đảm trách.
Gần 80 hộ dân thôn Tranh (xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn – điểm giáp ranh với khu vực san gạt làm bãi chứa chất thải) nằm ở vị trí chân của bãi tập kết rác hai năm qua phải hứng chịu hậu quả ô nhiễm từ bãi rác mang lại.
Anh Hoàng Văn Quý (người dân xóm Tranh) cho biết: gần 2 năm qua, cả xóm phải hứng chịu mùi hôi thối, nhất là những ngày nóng nực. Nước rỉ rách tràn xuống theo các khe, lạch… đổ xuống suối Tranh khiến dòng suối chuyển màu. Từ khi có bãi rác, người dân không dám sử dụng nước suối Tranh để làm nước sinh hoạt, tắm rửa… mặc dù trước đó, đây là nguồn nước tự nhiên vẫn được người dân sử dụng.
Theo con đường mòn từ xóm Tranh dẫn đến bãi tập kết rác thải dài khoảng 5km, phóng viên VietNamNet đã ghi nhận thực tế khó tin.
Luồn theo con đường rừng cỏ tranh mọc cao lút đầu người, xuyên qua những quả đồi trồng keo đang chuẩn bị thu hoạch, ông N.V.T – người dân đang phát cỏ, dẫn đường cho PV.VietNamNet xuống khu vực tập kết rác thải. Sau gần 2 giờ đi bộ, cuối cùng nhóm phóng viên cũng tìm được điểm cần đến.
Theo ông T., hai năm trước, khu vực tập kết rác thải cũng là một quả đồi trồng keo. Nó đã được chặt hạ cây, san gạt, múc hết đất để đào thành hố sâu chứa rác.
Mặt bằng hiện tại được phân thành các ô rộng, mỗi ô diện tích lên tới vài ngàn m2. Các vị trí đã tập kết rác được phủ bạt xanh bên trên. Những khu vực đang tiếp nhận rác hầu như để lộ thiên, chưa che phủ. Bãi rác thải khổng lồ không có mái che, không có hệ thống thu gom, thoát nước rỉ rác.
Một chiếc máy xúc được điều đến và nằm cố định tại khu vực tập kết rác. Đây là phương tiện dùng để san gạt, đào rãnh xung quanh.
Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, chiếc máy xúc lọt thỏm giữa bãi rác mênh mông, có chiều dài hàng trăm mét. Bãi rác khổng lồ tựa như một thung lũng sâu. Xung quanh, không có nhà dân, chỉ có những rừng cây đứng im lặng.
Điều này xác nhận thông tin mà người dân thôn Tranh cho biết, “bãi rác thải khổng lồ đổ giữa rừng” là hoàn toàn chính xác.
TP Hoà Bình đổ rác, dân huyện Lương Sơn kêu cứu
Với khối lượng rác thải sinh hoạt thu gom mỗi ngày trên 70 tấn, trong thời gian gần 2 năm qua, lượng rác thải được tập kết lên tới hàng vạn tấn.
Ông T. cho hay: điểm tập kết rác thải là điểm cuối thuộc thôn Can (xã Độc Lập) nhưng nó tiếp giáp với xã Cao Sơn (huyện Lương Sơn). Suối Tranh lấy nước đầu nguồn từ khu vực rừng trồng thuộc xã Độc Lập, đổ ra sông Bùi – nguồn nước tự nhiên chảy về thị trấn Lương Sơn cung cấp nguồn nước cho nhà máy nước sạch trên địa bàn huyện này.
Thời điểm phóng viên có mặt, dòng nước suối Tranh vẫn chuyển màu đen, dù mấy ngày trước đó khu vực này có mưa lớn.
Không chỉ người dân thôn Tranh có đơn thư, các hộ dân thuộc xã Độc Lập – nơi có tuyến đường xe vận chuyển rác thải ngày đêm cũng có kiến nghị gửi chính quyền sở tại về tình trạng ô nhiễm khói bụi, nước rỉ rác… trong quá trình vận chuyển bị đổ ra đường gây ô nhiễm môi trường.
Tháng 7/2021, người dân đã có đơn thư phản ánh về việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống dân cư, gây ra tình trạng cá chết của một hộ dân tại xã Cao Sơn. UBND huyện Lương Sơn đã chỉ đạo Phòng TN-MT phối hợp UBND xã Cao Sơn kiểm tra, xác minh tại khu vực đầu nguồn suối Chanh, xã Cao Sơn nước có màu đen, có dấu hiệu ô nhiễm.
Đầu nguồn suối Chanh, xã Cao Sơn là vị trí tiếp ráp với xóm Can, xã Độc Lập, TP Hòa Bình có địa hình thấp, do vậy suối Chanh là nơi tiếp nhận chính các nguồn nước của các khu vực xóm Can, xã Độc Lập chảy về theo dòng chảy tự nhiên.
Kiểm tra tại khu vực núi thuộc xóm Can - nơi đang có hoạt động tập kết rác thải sinh hoạt trên núi, liên ngành kết luận: vị trí tập kết, rác thải không có mái che, chưa được đầu tư công trình thu gom, xử lý nước rỉ rác, do đó việc ô nhiễm môi trường từ nước rỉ rác và nước mưa chảy tràn tại khu vực này là rất lớn. Từ thực tế cho thấy, dấu hiệu ô nhiễm môi trường tại đầu nguồn suối Chanh đã bị ảnh hưởng bởi hoạt động tập kết rác thải tại xóm Can.
Điều đáng nói, nguồn nước suối Chanh chảy ra sông Bùi đoạn thuộc thị trấn Lương Sơn được lấy nước mặt để cung cấp cho Nhà máy nước sạch tại tiểu khu 6 (thị trấn Lương Sơn) phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của hàng vạn hộ dân thị trấn, các xã Tân Vinh, Hòa Sơn, Nhuận Trạch và thị trấn Xuân Mai (Hà Nội).
Nguy cơ ô nhiễm nước đầu nguồn của nhà máy nước sạch đang là nhãn tiền, nếu không có các biện pháp xử lý theo quy định đối với bãi tập kết rác thải trên đồi Độc Lập.
Chủ tịch xã Độc Lập Nguyễn Ngọc Quế xác nhận: xã nhận được thông báo từ UBND thành phố Hoà Bình về việc bố trí bãi tập kết rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã. Khu vực hiện đang là bãi chứa chất thải là đất rừng sản xuất của hộ gia đình ông Lâm, là đất lâm nghiệp, trồng rừng sản xuất. Tuyến đường chở rác trước đó là đường mòn đi rừng của người dân, được đơn vị vận chuyển rác mở rộng để làm đường cho xe rác chạy.
“Theo thông báo của UBND thành phố, đây chỉ là bãi chứa rác tạm thời, không phải là bãi chôn lấp. Xã được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân trong xã chia sẻ, tạo điều kiện để xe vận chuyển rác qua lại, thông cảm với những vấn đề phát sinh như bụi, nước rỉ rác chảy ra đường…” – ông Quế thông tin.
Đón đọc kỳ 2: Kỳ lạ Hòa Bình: Vạn tấn rác đổ tạm từ rừng sâu đến con đường giữa phố