Tỉnh Nam Định xác định, tập trung đầu tư hệ thống giao thông nông thôn để khai thác các tiềm năng thế mạnh, thu hút đầu tư phát triển sản xuất công, nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mới bền vững; tiến tới thực hiện và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Được biết hiện nay, nhiều huyện đã tập trung các nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Tại Hải Hậu, huyện chủ trương đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối với mạng lưới giao thông của tỉnh và các địa phương khác, góp phần quan trọng trong giao thương hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế của các xã, thị trấn và của cả huyện.
Với cơ chế huyện hỗ trợ 30% vật liệu cứng và phương châm xã đảm bảo công trình giao thông của xã, xóm đảm bảo đường dong của xóm, nhân dân trong huyện đã tự nguyện hiến 345ha đất mở rộng đường giao thông. Nhờ đó, toàn huyện đã có 1.340km đường trục xóm, liên xóm giữa các xã, thị trấn đến các tuyến đường huyện và hệ thống cầu, cống trên tuyến đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp mở rộng làn đường, phân luồng, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông…
Toàn huyện đã xây dựng được 109 tuyến đường nông thôn mới, với tổng chiều dài trên 500km; toàn huyện có 4 tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu cấp huyện…
Hải Hậu cũng là 1 trong 4 huyện của cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất với cả 34/34 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 332 đơn vị cấp xóm và 12 xã, thị trấn đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”.
Tại huyện Nghĩa Hưng, nhiều công trình, dự án hạ tầng được đầu tư cải tạo, nâng cấp, tu bổ, xây dựng mới… đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Điển hình như 2 tuyến Quốc lộ là 21B, 37B có tổng chiều dài 21,2km, quy mô đường cấp III, cấp IV đồng bằng; mặt đường rộng từ 7-9m với lưu lượng giao thông từ 3.500-4.500 lượt xe/ngày đêm.
Bốn tuyến tỉnh lộ 487, 487B, 488C và 490C đi qua địa bàn đều đã được nâng cấp đảm bảo tính kết nối liên hoàn mạng lưới giao thông và 8 tuyến đường huyện 100% trải nhựa, mặt đường rộng 5,5-12m.
Huyện cũng đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới được 8 tuyến đường trục huyện với tổng chiều dài gần 38km, tổng kinh phí đầu tư trên 192,7 tỷ đồng; 55,25km đường trục xã với tổng kinh phí đầu tư trên 284,6 tỷ đồng; 72km đường thôn xóm với tổng kinh phí 75 tỷ đồng.
Hệ thống đường liên xã, trục xã, đường thôn xóm được trải nhựa, bê tông hoá 100% đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các tuyến đường được hoàn thành và đưa vào khai thác không chỉ tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông mà còn góp phần thúc đẩy giao thương giữa các địa phương trong huyện và liên kết vùng với các huyện khác trong tỉnh. Đồng thời thúc đẩy huyện và các xã, thị trấn chủ động thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Các huyện Xuân Trường, Ý Yên, Vụ Bản... cũng tích cực triển khai thực hiện các dự án công trình giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
UBND huyện Vụ Bản đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các địa phương tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các bước đầu tư 9 dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án: Đường dây và Trạm biến áp 110kV Hiển Khánh; cải tạo, nâng cấp tuyến đường Khả Chính - Bối Xuyên kéo dài (đợt 2) và dự án cải tạo, nâng cấp Trạm bơm Đế.
Huyện cũng đang tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án: Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng; cải tạo, nâng cấp đường Tân Khánh - Liên Bảo. Đang triển khai các bước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án: Nâng cao năng lực truyền tải đường dây 110kV lộ 174, 175 TBA 220kV Nam Định - Trình Xuyên thuộc địa phận xã Liên Bảo; đào đắp nền đường tuyến đường từ Quốc lộ 10 đến núi Hổ Sơn vào Đền thờ Huyền Trân Công Chúa…
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh đã đạt những kết quả tích cực.
Trong tháng 3/2023, có thêm 6 xã gồm: Kim Thái (Vụ Bản); Xuân Thượng, Xuân Kiên, Xuân Hòa (Xuân Trường); Giao Thịnh, Giao Tân (Giao Thủy) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; xã Giao Phong (Giao Thủy) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh.
Ông Đinh Xuân Hùng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nam Định cho hay, thời gian qua, Sở đã tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống giao thông nông thôn gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Mạng lưới đường giao thông nông thôn đã được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, hầu hết các tuyến đường huyện, đường xã đã được nâng cấp, xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng trở lên.
Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ toàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 12.000km (16,2km đường cao tốc; 5 tuyến quốc lộ dài 265km; 12 tuyến tỉnh lộ dài 263km; 177km đường đô thị; 569km đường huyện; 1.491km đường xã, liên xã; 2.822km đường thôn xóm; gần 4.000km đường dong ngõ, xóm và gần 3.000km đường trục chính nội đồng); 2.050 cầu các loại trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh vận dụng các văn bản, quy định pháp luật thúc đẩy công tác thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Chủ động bổ sung, hoàn thiện quy hoạch giao thông theo hướng cập nhật tốc độ, nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền để toàn dân hiểu rõ lợi ích, giá trị được hưởng lợi sau đầu tư, từ đó tự nguyện đóng góp nguồn lực chung sức xây dựng giao thông nông thôn…