Hoàng Đăng Khanh vừa tổ chức triển lãm Tiếng thì thầm của phố tại TP.HCM. Với hơn 30 tác phẩm, họa sĩ đã gửi đến người xem nhiều cảm xúc về phố thị qua màu sắc và ngôn ngữ hội họa riêng.
Phố đối với Hoàng Đăng Khanh không chỉ là con đường để đi về, hay những ngôi nhà để ở, mà còn là câu chuyện đằng sau cuộc sống của anh. Anh dùng ngôn ngữ hội hoạ để diễn giải không gian miền ký ức, tâm tư của người đến và đi, với những hy vọng, mất mát, thăng trầm để tin cậy và yêu thương.
Không gian buổi triển lãm.
“Trong tâm hồn tôi như đứa trẻ lạc vào khu phố bình yên. Thời gian có thể là nơi định rõ, có những không gian là tưởng tượng và cũng có khi nó thoáng qua, trôi dạt rồi biến mất. Những câu chuyện rời rạc được liên kết một cách ngẫu nhiên”, anh nói.
Họa sĩ mất một năm để hoàn thiện bộ sưu tập, kể từ sau buổi triển lãm năm ngoái tại Đà Lạt. Đây cũng là lời tri ân của anh với mảnh đất nơi sinh ra, lớn lên, học tập và sự hiện hữu của bạn bè, người thân…
“Quan niệm của tôi là sinh ra ở đâu thì sẽ sáng tác ở đó. Tôi truyền tải thông điệp từ chính tâm hồn của mình. Họa sĩ cũng giống như một đứa trẻ vậy, có một món đồ chơi hay gì mới thì sẽ muốn được khoe ra cho mọi người biết tới”, anh nói với VietNamNet.
Họa sĩ Hoàng Đăng Khanh, 41 tuổi hiện đang sống ở TP. Huế. Anh chính là con trai của cố họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận. Cũng như cha mình, anh đến với hội họa bằng con đường tự học.
Họa sĩ ảnh hưởng từ cha về tinh thần yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, tình thương con người. Những hình ảnh ấy được anh cụ thể hóa và đưa vào tranh.
Họa sĩ từng có một số triển lãm cá nhân. Anh cũng góp mặt chung ở các triển lãm khác với anh em nghệ sĩ trên cả nước. Hoàng Đăng Khanh quan niệm hội họa cũng giống như công việc khác, phải làm thường xuyên. Mỗi khi được cầm cọ vẽ, anh thấy hạnh phúc và say mê sáng tác.
Triển lãm diễn ra tại J Art Space, TP Thủ Đức kéo dài đến hết ngày 4/2.
Một số tranh trưng bày trong triển lãm