Tự mày mò làm búp bê lạ, chàng sinh viên không chỉ thỏa mãn đam mê bản thân mà còn chinh phục được khách hàng nước ngoài. Công việc hiếm gặp tại Việt Nam đem lại cho cậu mức thu nhập tốt.
LỜI TOÀ SOẠN
Tại TPHCM có một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt, kén chọn người làm, đòi hỏi phải có sự đam mê, tỉ mẩn, không ngại khó khăn, vất vả.
Đó có thể là những nghề đã cũ, cũng có thể là những việc mới ra đời do yêu cầu của quá trình phát triển, thị hiếu của cuộc sống hiện đại.
VietNamNet giới thiệu loạt bài Nghề độc lạ ở TPHCM cho thấy sức sáng tạo của người lao động.
Bên chiếc bàn bày biện la liệt vật dụng kỳ lạ, Bùi Thịnh Đa (SN 2004, quê Sóc Trăng) kiên nhẫn ngồi trang điểm cho con búp bê mới hoàn thành. Đây là con búp bê khớp cầu cao cấp được Đa làm theo đơn đặt hàng của một vị khách nước ngoài.
Búp bê khớp cầu có tên trong tiếng Anh là Ball Jointed Doll (BJD). Khác với các loại búp bê khác, BJD mô phỏng theo cơ thể người thật. Các bộ phận của búp bê không được gắn trực tiếp vào nhau, mà sử dụng bằng các khớp hình cầu riêng lẻ.
Việc này giúp người chơi có thể tạo dáng linh hoạt, thay đổi kết cấu búp bê theo ý muốn.
Búp bê BJD nằm trong phân khúc cao cấp. Tại Việt Nam, các sản phẩm này có giá lên đến vài nghìn USD và thường được nhập về từ nước ngoài.
Dù giá cả đắt đỏ, nhưng sự đặc biệt của loại búp bê này thu hút một lượng người chơi đông đảo. Do đó, nghề tạo hình búp bê khớp cầu tại Việt Nam ra đời, đem lại thu nhập cao.
Bùi Thịnh Đa được xem là một trong những người làm búp bê BJD trẻ, có tiếng trong giới sưu tầm búp bê khớp cầu trong nước. Nam thanh niên đến với công việc này một cách tình cờ.
Năm lớp 6, trong lúc lang thang trên mạng Internet, Thịnh Đa vô tình nhìn thấy búp bê khớp cầu. Đa thấy ấn tượng về các khớp, cách tạo dáng chụp ảnh của loại búp bê này, nên ao ước có một con búp bê như vậy.
Tuy nhiên, giá của chúng quá cao. Do đó, Thịnh Đa quyết định tự mua đất sét về nặn để thỏa trí tò mò. Càng nặn, Đa càng bị lôi cuốn. Sau đó, Thịnh Đa nhận ra đây chính là đam mê của mình, nên tập trung nghiên cứu, học tập.
Thịnh Đa chia sẻ: “6 - 7 năm trước, tại Việt Nam, búp bê BJD rất hiếm gặp. Thậm chí đến bây giờ, người biết và có thể tạo hình loại búp bê này ở nước ta vẫn rất hạn chế.
Do đó, khi tiếp cận bộ môn này, tôi tự học là chính. Tôi học hỏi hoàn toàn qua sách vở, mạng Internet rồi tích lũy dần kinh nghiệm”.
Khi có kinh nghiệm, Thịnh Đa xác định phong cách sáng tạo búp bê khớp cầu riêng cho mình. Đa theo đuổi trường phái siêu thực, thiên về sự ma mị, bí ẩn.
Phong cách này khiến búp bê do Đa tạo hình không có vẻ đẹp lung linh, hoàn mỹ. Thay vào đó, chúng có khiếm khuyết về ngoại hình, trên gương mặt như: Rạn da, mũi to, bạch tạng, da đồi mồi, răng hở…
Tuy vậy, sau khi thành phẩm, các sản phẩm của Thịnh Đa đều rất sống động, có hồn và giàu cảm xúc. Nam thanh niên giải thích: “Tôi theo đuổi phong cách này vì sở thích cá nhân. Tuy nhiên, các sản phẩm của tôi không đơn giản chỉ đem lại cảm giác ma mị, bí ẩn.
Hơn thế, tôi còn gửi gắm vào đó các vấn đề xã hội. Tôi muốn người sở hữu những búp bê không có vẻ ngoài hoàn mỹ khi nhìn vào chúng họ cảm thấy tự tin và đồng cảm hơn”.
Mang lại thu nhập tốt
Thịnh Đa chủ yếu tạo hình búp bê theo đơn đặt hàng của khách nước ngoài. Nam thanh niên thực hiện công việc bằng hàng loạt công đoạn tỉ mỉ như: Vẽ phác thảo tỉ lệ búp bê, nhào đất, tạo khung xương, đắp đất, tạo khớp, nung, chà mịn, trang điểm.
Sau khi xỏ dây, ghép các khớp, Thịnh Đa tiến hành làm tóc, may quần áo, làm giày, làm trang sức… cho búp bê.
Nếu tạo hình bằng sứ sẽ phức tạp và mất thời gian hơn. Với chất liệu này, Thịnh Đa phải làm khuôn thạch cao rồi đổ sứ lỏng vào nung ở nhiệt độ 1.100 - 1.250 độ C.
Quá trình nung, nếu không đảm bảo kỹ thuật, thành phẩm có thể bị lỗi hoặc hỏng, không đạt yêu cầu. Thông thường, nung 2-3 phôi, Thịnh Đa mới thu được một búp bê khớp cầu bằng sứ hoàn thiện, đạt yêu cầu.
Thịnh Đa tâm sự: “Với tôi, đây là một môn nghệ thuật. Bởi để tạo ra một con búp bê khớp cầu hoàn chỉnh không đơn giản chỉ là nặn, tạo hình bằng đất sét mà còn phải có hiểu biết về giải phẫu, trang điểm, làm tóc, may đồ, đóng giày, trang sức…
Tôi luôn xem các sản phẩm của mình là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi, tôi đặt rất nhiều công sức, tâm tư, tình cảm vào nó”.
Hiện, Thịnh Đa đã hình thành thương hiệu búp bê khớp cầu riêng của mình. Các sản phẩm của nam thanh niên đều đạt các tiêu chí như: Các khớp chuyển động mượt mà, ngoại hình đẹp, sống động, giàu cảm xúc.
Đặc biệt, Thịnh Đa còn nhận tạo hình búp bê BJD theo yêu cầu, chân dung hoặc ý tưởng của khách hàng. Tuy nhiên, đối với những đơn hàng này, nam thanh niên có sự chọn lọc kỹ lưỡng và chỉ nhận những ý tưởng phù hợp.
Các sản phẩm của Thịnh Đa đều được giới đam mê búp bê khớp cầu săn đón. Nhiều tác phẩm của nam thanh niên dù chưa “xuất xưởng” đã được khách hàng người nước ngoài trả giá, đặt cọc.
Khách hàng của Thịnh Đa ngoài "tín đồ" búp bê khớp cầu, còn có những nhà sưu tập, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế thời trang, nhà làm phim… Tùy kích thước, độ khó, chất liệu, các sản phẩm của Thịnh Đa có giá từ vài triệu đến nhiều chục triệu đồng.
Hiện tại, Thịnh Đa vẫn đang học năm thứ 3 ở trường đại học. Tuy nhiên, nam thanh niên xem sáng tạo búp bê khớp cầu là một nghề quan trọng của mình. Bởi, công việc này vừa giúp cậu thỏa đam mê vừa đem lại thu nhập tốt.
Thịnh Đa chia sẻ: “Ngoài nhận đơn hàng làm búp bê khớp cầu theo ý muốn của khách hàng, tôi còn mở workshop làm búp bê cho mọi người đến trải nghiệm. Workshop của tôi chia 2 lớp gồm: lớp cơ bản và lớp chuyên sâu.
Ở lớp cơ bản, sau khi học 4 giờ đồng hồ, học viên sẽ có búp bê mang về. Lớp nâng cao, tôi sẽ dạy chuyên sâu từ 2-3 buổi. Các lớp này đều có nhiều bạn trẻ đến tham gia, trải nghiệm.
Hiện tại và trong tương lai, tôi có và sẽ sáng tạo thêm những tác phẩm búp bê khớp cầu chủ đề Việt Nam. Tôi có ước mơ sẽ lan tỏa, giới thiệu những nét đẹp của Việt Nam ra thế giới thông qua các sản phẩm búp bê khớp cầu của mình”.
Kỳ tới: Cô gái ở TPHCM hàng đêm tạo âm thanh kỳ diệu giúp mọi người giải stress, ngủ sâu
Mồ côi cả cha lẫn mẹ, cậu thiếu niên 13 tuổi học lỏm được nghề lạ, từng bước thoát nghèo rồi trở thành bá hộ, độc chiếm vị trí thứ 3 trong số tứ đại phú hào Sài Gòn xưa.
Ngày hai buổi sáng, chiều, những người này vác vợt, lội xuống đồng hoang săn tìm loại thức ăn cao cấp cho chim cảnh. Nghề trông giản hơn nhưng đem lại thu nhập khá giữa mùa bão giá.