Thuở ban sơ vụng dại, tôi từng mê học Y để làm bác sĩ. Ngày đó dịch ho gà bùng phát, ho từng cơn rã rời, hai mắt đỏ quạch, tôi được chuyển viện lên Biên Hòa. Thấy các bác sĩ điều trị mặc áo blouse trắng rất oai, tôi mơ ước lớn lên sẽ làm bác sĩ như họ.
Biết ơn ngân hàng đã cho vay
Lên cấp 3, nghe thiên hạ kể về hành trình vào Y Dược, có những người luyện thi đến 5 năm mới đậu, tôi nản chí và chuyển hướng sang Bách khoa. Sinh viên Y Dược trải qua hơn 200 kỳ thi, phải thức trắng đêm học bài, trong khi tôi thì cần có thời gian đi làm thêm.
Dù sao thì cuối cùng thì tôi và bạn bè cùng cảnh ngộ ở ký túc xá Bách khoa cũng đi qua 5 năm đại học. Có một điều ít người biết, từ học kỳ 2 năm nhất, tôi được Vietinbank cho vay đủ để đóng tiền học phí hết 4,5 năm.
Tôi còn nhớ rõ mỗi lần vay là đến chi nhánh Vietinbank ở gần sân Phú Thọ nhận 600 ngàn đồng. Sau khi ra trường, bắt đầu tính lãi và trả dần dần. Nếu không có khoản tiền vay ngày đó, chắc chắn tôi sẽ vất vả hơn nhiều, có thể kết quả học không tốt, có thể tôi sẽ phải rẽ sang một con đường khác. Tôi vẫn luôn biết ơn Vietinbank vì điều đó.
Vài năm gần đây, học phí đại học tăng mạnh, dĩ nhiên đời sống bây giờ đã tốt hơn, mức học phí như vậy cũng không là gì ở nhiều gia đình, nhưng chắc chắn cũng sẽ làm nhiều người phải từ bỏ ước mơ như tôi ngày xưa, hay thậm chí phải từ bỏ ước mơ vào đại học. Chuyện học phí tăng là không thể tránh được, có trường nào hoãn lại được vài năm thì sớm hay muộn cũng sẽ đến lúc phải tăng.
Học bổng chỉ giúp được phần nhỏ
Nhiều trường có những chính sách học bổng đi kèm với chuyện tăng học phí. Tuy nhiên, học bổng chỉ giúp được một phần nhỏ thôi. Hiện tại thường có 3 loại học bổng:
Học bổng cho SV học giỏi: Thường thì nhà nghèo hay nhà giàu học giỏi đều hiếm. Nhưng số SV vừa nghèo vừa học không giỏi thì nhiều vô số kể, và dĩ nhiên học bổng loại này không dành cho những bạn đó.
Học bổng dành cho các ngành đặc thù: Một số ngành học khá quan trọng, khổ cái là không thời thượng nên thiếu SV. Vì vậy, có những học bổng dành cho SV chọn những ngành học này.
Học bổng dành cho SV nghèo: Học bổng này dành cho những bạn nhà nghèo, kết quả học không cần phải giỏi, nhưng cũng đừng tệ quá. Khổ cái là nhà nghèo, lo đi làm thêm kiếm tiền, nên kết quả học nhiều lúc cũng không đủ đẹp để nhận được học bổng này.
Năm nào vào mùa nhập học cũng có những phận đời buồn xuất hiện trên báo chí. Những ai xuất hiện trên báo chí cũng thuộc dạng may mắn rồi, vì thế nào cũng có người biết mà giúp đỡ. Số lượng tân SV và cả SV nghèo, hoặc không ai biết đến, hoặc hoàn cảnh không quá buồn để đủ xuất hiện trên báo chí thì nhiều vô số kể.
Gần 20 năm nay, tôi đi xin tiền từ các cựu SV và người quen để giúp những SV nghèo, chỉ gói gọn cho SV trong khoa của tôi. Học bổng này chủ yếu dành riêng cho những SV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mà do gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai nên không còn nhiều thời gian cho việc học, vì vậy không có cơ hội nhận được các nguồn học bổng khác vốn thường dành cho SV giỏi.
Như muối bỏ biển
Tuy nhiên, công sức của tôi cũng chỉ như muối bỏ biển. Gần đây, Hội cựu SV có thêm nhiều nguồn học bổng nữa, nhưng thật sự cũng chỉ giúp được một phần. Tôi biết có những bạn ngày mai thi hay đến hạn nộp đồ án mà tối nay vẫn lật đật chạy đi làm thêm. Có những bạn triền miên sống bằng mì gói. Thật buồn khi những chuyện gần 30 năm trước mà đến giờ vẫn cứ tiếp tục xảy ra.
Tôi biết có người mỉa mai là Sài Gòn dễ kiếm tiền, SV tha hồ tìm việc làm thêm để lo chuyện ăn chuyện học, và đừng than nghèo nữa. Họ chưa bao giờ phải lo gánh nặng cơm áo gạo tiền nên nói cho vui vậy thôi, cũng có thể họ đã từng đi làm thêm, nhưng đi làm thêm để lấy kinh nghiệm chứ không phải là đi làm thêm để tồn tại.
Đi làm thêm là tốt, tôi thường khuyên học trò đi làm thêm để lấy kinh nghiệm, để phụ giúp ba mẹ, hay ít nhất là tiêu xài những đồng tiền mình tự làm ra mà không thấy áy náy với ba mẹ. Tuy nhiên, bỏ cả việc học, bỏ cả sức khỏe để đi làm thêm vì không còn lựa chọn nào khác thì thật buồn.
Tôi biết hiện nay đã có chính sách cho SV vay để học hành. Ví dụ, ngày 25/9/2020, ĐH Quốc gia TP.HCM ra mắt chương trình cho sinh viên vay vốn ưu đãi để học tập.
Tuy nhiên, cũng có những ràng buộc, ví dụ SV cần cam kết tốt nghiệp trong thời gian quy định của khóa học (không tính thời gian được phép gia hạn), trong khi gần 50% SV ở Bách khoa không thể tốt nghiệp đúng hạn. Đó là đặc thù của việc học theo tín chỉ chứ không phải do SV học quá tệ, và số tiền vay cũng không quá 10 triệu đồng/học kỳ thôi. Mà những chương trình kiểu này cũng chỉ đủ sức hỗ trợ một phần nhỏ SV có nhu cầu hiện tại, trong khi học phí tăng mạnh, chắc chắn nhu cầu càng lớn.
Dĩ nhiên ai rồi cũng sẽ tìm cách nào đó để bước tới, cũng phải liệu cơm gắp mắm kiểu như tôi ngày xưa. Nhưng 20 năm nay tôi luôn tự hỏi, đến bao giờ chuyện SV vay tiền để học đại học trở thành hết sức bình thường như ở nhiều nước trên thế giới?
Một giáo sư Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM
Con nhà nghèo đã khó nay khó hơn nếu chọn theo học ngành Y. Về phía nhà trường, chắc chắn có những tính toán trước khi đưa ra… “học giá” đó!