Trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt mục tiêu 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn.
Chính phủ cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh kết hợp tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, bữa ăn học đường phù hợp với lứa tuổi, vùng, miền và hình thức tổ chức.
Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tài liệu Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học.
Theo đó, việc giáo dục dinh dưỡng cho học sinh tiểu học giúp trẻ hiểu được về tháp dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, biết cách nhận biết các thực phẩm không lành mạnh, không an toàn đối với sức khỏe, ăn uống đa dạng, tăng cường ăn rau và trái cây, cách đọc nhãn mác thực phẩm.
Nội dung giáo dục dinh dưỡng được các chuyên gia giáo dục và dinh dưỡng y khoa hướng dẫn cụ thể. Theo đó, học sinh lớp 1 đến lớp 5 cần có thể hiểu biết về vai trò của từng loại thực phẩm thuộc từng tầng của tháp dinh dưỡng, nhận biết tên các loại thực phẩm trong các món ăn tại trường và ở nhà. Ăn đầy đủ 6 nhóm thực phẩm, khuyến khích trẻ tăng cường ăn rau, trái cây và sử dụng các thực phẩm lành mạnh.
Riêng với học sinh lớp 3 đến lớp 5, giáo viên sẽ hướng dẫn, giáo dục trẻ về số lượng thực phẩm nên ăn theo đơn vị ăn của từng tầng của tháp dinh dưỡng; Nhận biết các thực phẩm không lành mạnh ở tầng thực phẩm về đường, muối, chất béo; Biết cách nhận biết thực phẩm ôi thiu, không an toàn và biết đọc nhãn mác thực phẩm.
Trong giờ ăn uống của học sinh mầm non, tiểu học, giáo viên cũng thường xuyên nhắc nhở các em thực hiện những hành vi văn minh trong ăn uống như: Ngồi ngay ngắn khi ăn; Ăn gọn gàng, không rơi vãi; Nhai nhỏ nhẹ không gây tiếng ồn, nhai kỹ; Không nói chuyện, cười đùa trong khi ăn; Không bốc thức ăn; Không tranh giành đồ ăn.
Một số nội dung cũng cần được giáo viên đề cập như các món ăn, lợi ích của từng nhóm thực phẩm có trong món ăn, chế độ ăn uống lành mạnh, tại sao cần ăn đa dạng thực phẩm, một số bệnh lý liên quan đến thói quen không tốt trong ăn uống (suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, ngộ độc thực phẩm, sâu răng,...); cùng đó là sự nhắc nhở trẻ đảm bảo vệ sinh.
Các hình thức tổ chức giáo dục dinh dưỡng cho học sinh tiểu học được thực hiện trong 5-10 phút vào giờ sinh hoạt cuối tuần, trong các hoạt động trải nghiệm của học sinh; cũng có thể lồng ghép trong các môn học, sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa, hội thi, các hình thức truyền thông mới để thu hút nhiều học sinh tham gia.
Giáo dục dinh dưỡng cho học sinh tiểu học cũng có thể được lồng ghép trong quá trình học sinh tham gia các hoạt động tổ chức bữa ăn như nhận khay, xếp hàng nhận thức ăn, loại bỏ thức ăn thừa, trả khay thức ăn...
Với trẻ mầm non, giáo viên hướng dẫn và tổ chức giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em bằng nhiều hình thức khác nhau như: Giới thiệu món ăn và thực phẩm trước giờ ăn; sử dụng hình ảnh thực phẩm mô hình bằng nhựa mô phỏng thực phẩm giới thiệu cho trẻ, lồng ghép trong các giờ học về cảnh quan, môi trường…; các bài học chuyên đề về giáo dục dinh dưỡng; thực hành chuẩn bị một số món ăn đơn giản.