Làng vắng bóng sinh viên đại học
Những năm gần đây, nhiều học sinh ở vùng quê Hà Tĩnh như xã Cương Gián (Nghi Xuân), Mỹ Lộc, Thiên Lộc (Can Lộc), Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), Thạch Bằng, Thạch Kim (Lộc Hà)... sau khi hoàn thành chương trình THPT, không chọn lựa vào đại học mà đi lao động ở nước ngoài.
Em Nguyễn Thị Mai H. (SN 2004, trú xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) cho biết, năm ngoái em đỗ vào Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế nhưng không học. Hiện em cố gắng ôn luyện IELTS đạt 5.5 để hoàn thiện hồ sơ đi theo diện du học nghề ở Australia.
Em tâm sự cả lớp có 42 bạn có đến 24 bạn không có nguyện vọng vào đại học. Lớp của H. chỉ có 9 bạn học đại học. Phần lớn các em lựa chọn sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada... du học nghề và một số bạn đang học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Thôn Xuân Hải nơi H. ở có gần 300 hộ, trong đó, 193 người đi XKLĐ, đa phần là học sinh đã tốt nghiệp THPT.
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng thôn Xuân Hải, chia sẻ nhiều năm qua, học hết THPT các em lần lượt tìm cách đi XKLĐ, một số gia đình có tài chính sẽ hướng cho con đi du học nghề ở các nước.
"Với tâm lý học xong THPT sẽ đi XKLĐ hoặc đi du học nên số lượng con em trong thôn đi học đại học rất ít. Từ năm 2018 đến nay, thôn chỉ có 3 em đang theo học đại học”, ông Thọ nói.
Ông Thọ thống kê, năm học 2019- 2020, trong thôn có 17 em hoàn thành THPT, 3 em có giấy báo trúng tuyển các trường đại học. Tiếp đó, năm học 2020- 2021, có 15 em học xong lớp 12, 3 em đỗ đại học nhưng không em nào lựa chọn con đường này.
Ông Nguyễn Văn Thiều - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng, cho hay: “Học sinh tốt nghiệp THPT không đi học đại học mà đổ xô đi XKLĐ hoặc du học như thôn Xuân Hải không phải hiếm gặp. Thực tế ở xã có nhiều thôn như Phú Nghĩa, Phú Mậu, Trung Nghĩa… cũng nhiều năm vắng bóng sinh viên đại học”.
“Xã Thạch Bằng hiện nay có hơn 1.580 người đang lao động ở nước ngoài. Ở đây, học sinh tốt nghiệp THPT chủ yếu đi du học nghề hoặc đi XKLĐ. Làng xã đổi thay nhiều nhờ nguồn tiền từ nước ngoài, hàng trăm ngôi nhà 2- 3 tầng mọc lên khang trang, tiện nghi đầy đủ, rất nhiều gia đình sắm ô tô để đi lại”, ông Thiều nói thêm.
Ông Nguyễn Thái Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Mai Thúc Loan, cho biết: “Hàng năm trường có khoảng từ 30-40% học sinh tốt nghiệp THPT quyết định đi theo diện du học nghề hoặc XKLĐ. Học sinh chủ yếu nằm ở xã Thạch Bằng, Thạch Kim. Đặc biệt, thời gian gần đây, những gia đình có điều kiện tài chính không chọn học đại học trong nước mà hướng con em đi theo diện du học nghề vừa học, vừa làm ở một số nước như Australia, Canada, Pháp…”.
Thay đổi bộ mặt quê nghèo
Lao động ở nước ngoài hàng tháng kiếm được hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng nên nhiều học sinh đã chọn xứ người là nơi để khởi nghiệp, làm giàu.
Hơn 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Minh (SN 1971, trú tại thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) là hộ nghèo, tuy nhiên từ khi hai người con của gia đình ông đi lao động ở Đức, cuộc sống của của họ đã sang trang mới.
“Hai con tôi không ai đi học đại học nhưng vẫn kiếm được nhiều tiền. Tốt nghiệp THPT, hai đứa theo học một khóa nấu ăn ở TP.HCM rồi sang Đức làm phụ bếp. Hiện mỗi tháng hai cháu gửi về hơn trăm triệu đồng”, ông Minh cho biết.
Không chỉ gia đình ông Minh, cả xã Thiên Lộc sống sung túc nhờ tiền của con cái ở xa xứ gửi về. Ông Đặng Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc), cho biết: “Toàn xã có hơn 1.500 đang lao động ở nước ngoài, tập trung chủ ở các nước Châu Âu. Trung bình mỗi tháng mỗi cá nhân gửi về 30 triệu đồng, tính ra mỗi năm có hàng trăm tỉ đồng được gửi về”.
Một hiệu trưởng THPT trên địa bàn huyện Can Lộc cho biết năm học 2021-2022, trường chỉ có 30% đăng ký vào đại học, còn lại chỉ thi tốt nghiệp THPT sau đó đi XKLĐ. Học xong THPT đi lao động ở nước ngoài trở thành trào lưu nên các em không có sự cầu tiến trong học tập, nhà trường khó khăn trong nâng cao chất lượng dạy học, thành tích; thứ hạng của nhà trường bị ảnh hưởng.
Vị hiệu trưởng này nói thêm bên cạnh những mặt tích cực khi các em đi XKLĐ là đưa lại nguồn thu nhập lớn, cuộc sống gia đình sung túc, cũng có nhiều em “trắng tay” rơi vào cảnh nợ nần. Không ít trường hợp gia đình vay mượn tiền tỷ để đi các nước châu Âu nhưng không theo con đường chính thống, không may các em bị bắt, trục xuất về nước mất tiền của, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Từ chối cánh cửa đại học và rời xa vòng tay cha mẹ, những người con của làng quê nghèo mong có cơ hội làm giàu nơi xứ người. Tuy nhiên không phải con đường nào cũng đầy hoa hồng. Có em đã phải đối mặt với những rủi ro, gánh nặng nợ nần, có em - thậm chí phải trả giá bằng tính mạng khi đi du học nghề, XKLĐ theo con đường không chính thống. Câu chuyện đó sẽ được chúng tôi gửi đến độc giả vào ngày mai, 21/6. |
Đậu Tình