Thạc sĩ Đinh Thu Hồng là tác giả của hai cuốn sách “Học kiểu Mỹ tại nhà” và “Học STEM kiểu Mỹ tại nhà”. Từng nhiều năm giảng dạy bậc tiểu học tại bang Georgia, Mỹ, chị Hồng nhận thấy hình thức học tại nhà (homeschool) không phải là hình thức phổ biến tại đây (chỉ chiếm khoảng 4%). Học sinh ở Mỹ chủ yếu vẫn đi học tại các trường công và học đúng tuyến.
Homeschool thường chỉ áp dụng cho những học sinh tài năng, năng khiếu như hội họa, âm nhạc… hoặc học sinh dạng đặc biệt như tự kỷ, tăng động, kém tập trung… Những học sinh này được linh hoạt học các chương trình bên ngoài, không bị gò bó bởi chương trình cố định của nhà trường.
Theo Thạc sĩ Hồng, lợi thế của phương pháp này là có thể “may đo” chương trình phù hợp với năng lực của học sinh và có thêm nhiều sự hỗ trợ tại nhà mà trường công hay trường tư không đáp ứng được.
Tuy nhiên, bà Hồng cho rằng, với homeschool, cha mẹ phải rất có điều kiện, có năng lực và thường là giáo viên hoặc những người nghiên cứu sâu về giáo dục mới có thể tự tin dạy trẻ.
Bởi để homeschool, cha mẹ cần phải có kiến thức chuyên môn, dành toàn thời gian để tìm kiếm và thành lập các nhóm sinh hoạt nhằm bù đắp lại các hoạt động thiếu hụt khi trẻ không đi tới trường.
Thông thường ở Mỹ, các gia đình có con homeschool sẽ tập trung lại với nhau hàng tuần, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và cho con cái tham gia vào các hoạt động cộng đồng thay vì chỉ đóng cửa dạy con tại nhà.
Việc homeschool ở Mỹ cũng có những quy chế, quy định cụ thể đối với phụ huynh về những điều kiện và nội dung thực hiện. Học sinh homeschool hoàn toàn có thể đăng ký các bài thi chuẩn hóa của từng tiểu bang, không cần phải theo học trong các trường công hay tư.
Theo Thạc sĩ Hồng, tại Việt Nam, việc homeschool sẽ khó khăn hơn. Phụ huynh buộc phải biết Tiếng Anh để có thể đồng hành cùng con trong các bài học. Nếu không lựa chọn chương trình của Bộ GD-ĐT, việc quay lại hòa nhập với chương trình Việt Nam là rất khó.
Cho nên, đa số gia đình ở Việt Nam cho con theo phương pháp giáo dục tại nhà thường có xu hướng sẽ ra nước ngoài sinh sống hoặc cho con học các bậc học tiếp theo ở nước ngoài.
Bà Hồng nhìn nhận, trong thời điểm hiện tại, việc lựa chọn trường ở Việt Nam, học bằng tiếng Việt vẫn nên là lựa chọn hàng đầu và là phương án phù hợp với đại đa số gia đình Việt. Bởi học sinh sẽ theo một lộ trình sẵn có và chương trình thống nhất. Việc được giao tiếp với bạn bè và thầy cô sẽ là môi trường tốt để hình thành nhân cách của trẻ.
“Không nên chạy theo phong trào, sốt ruột vì số đông hay chỉ nghĩ đơn giản, không thích trường công ở Việt Nam nên cho con homeschool.
Bởi mỗi đứa trẻ nhu cầu khác nhau, quan trọng là trẻ có khả năng và sở thích gì chứ không phải bố mẹ mong ước gì”, Thạc sĩ Đinh Thu Hồng nói.
Bà Hồng cũng cho rằng, muốn bắt đầu homeschool cho con, phụ huynh cần phải trả lời được hai câu hỏi.
Trước hết, cần cân nhắc kiến thức chuyên môn xem mình có đủ khả năng vạch ra cho con một đường hướng phát triển đầy đủ cả về kiến thức lẫn kỹ năng hay không.
Câu hỏi thứ hai là cha mẹ có dành đủ thời gian cho con không, bởi để homeschool sẽ mất rất nhiều thời gian. Phụ huynh không thể vừa đi làm, vừa dạy con tại nhà. Cho nên, ít nhất một trong hai bố mẹ phải thu xếp thời gian để ở nhà đồng hành cùng con.
“Nếu bố mẹ vẫn đi làm và bắt trẻ ngồi ở nhà tự học theo giáo trình là không công bằng với trẻ. Bởi lẽ, việc học ở trường cũng là một “nghề” của trẻ. Nếu trẻ phải học ở nhà không có ai hướng dẫn, chỉ là học từ sách vở, video, cha mẹ đang tước quyền được đi học của con em mình”, Thạc sĩ Hồng nói.
Trong khi đó, nếu lựa tập hợp một nhóm trẻ homeschool, sau đó thuê người dạy, hình thức này theo bà Hồng, cũng không khác nào cho trẻ học ở trường, chỉ khác là đổi địa điểm học.
Cho nên, muốn homeschool hay làm bất cứ điều gì liên quan đến sự phát triển của trẻ, cần phải rất hiểu trẻ và có kiến thức. Bởi để tự định hướng cho sự phát triển của trẻ là sự nghiệp lớn.
Thay vì cả trường học là một thể chế xây dựng lộ trình từng chặng cho sự phát triển của trẻ, giờ đây, phụ huynh phải tự thiết kế chặng đường ấy, cho nên sẽ có rất nhiều vấn đề và cần một định hướng rõ ràng.
“Với homeschool, cha mẹ sẽ là người thầy, đồng thời là người cung cấp học liệu cho con. Cho nên, hiệu quả của homeschool phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ.
Cần thiết phải tạo ra cộng đồng chung để các cha mẹ cùng dạy con theo mô hình homeschool có thể trao đổi thông tin và tương tác. Ngoài ra, bố mẹ cũng phải bù đắp những thiếu hụt về giao tiếp xã hội cho trẻ bằng những hoạt động bên ngoài, ví dụ như đến bảo tàng hay thư viện…”, Thạc sĩ Đinh Thu Hồng nói.