Tọa đàm chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa đọc và học đã diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM (cơ sở Thủ Đức). Diễn giả của chương trình là PGS.TS. Lưu Văn Quyết - Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM.  

Chương trình bàn luận về phong cách đọc sách, phương pháp tự nghiên cứu và văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay. 

Tại buổi trò chuyện, diễn giả PGS.TS. Lưu Văn Quyết cho rằng, kiến thức tại các trường học đôi khi chưa đủ, đó là nguồn kiến thức một chiều. Để hiểu biết một cách có hệ thống và khoa học, mỗi người cần đọc thêm tạp chí, sách báo. Đây là nguồn tư liệu quan trọng giúp cập nhật tin tức, biết thêm nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau. Từ đó, bổ khuyết cho những kiến thức bị thiếu hụt khi học tại trường. Bên cạnh đó, việc đọc tạp chí, sách báo nâng cao khả năng tự học, rèn luyện tư duy giải quyết vấn đề.

Theo đó, các sinh viên không nên đọc rồi quên ngay sau đó mà hãy vận dụng các chia sẻ trong sách báo để áp dụng vào bài luận của mình. Các em nên coi sách là kim chỉ nam, là người bạn để nghiên cứu, tìm tòi kiến thức. Ngoài ra, đọc sách nhiều nhưng không nên học thuộc lòng mà cần có tư duy nhạy bén, chắt lọc thông tin. Đó là phương pháp áp dụng phong cách đọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách hiệu quả, không rập khuôn.

“Chỉ khi những kiến thức được áp dụng vào thực tiễn, lúc đó sách mới phát huy hết hiệu quả của nó. Nếu chúng ta đọc hàng trăm cuốn sách mà không biết cách áp dụng thì đó cũng chỉ là hòm sách di động mà thôi...”, PGS.TS. Lưu Văn Quyết chia sẻ. 

doc hang tram cuon sach ma khong ap dung vao thuc tien thi cung chi la hom sach di dong001.jpg
 PGS.TS. Lưu Văn Quyết chia sẻ về phong cách đọc sách và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tọa đàm. Ảnh: Yến Thơ

Diễn giả PGS.TS. Lưu Văn Quyết nhận định: “Gia tài lớn nhất của Bác Hồ để lại là tủ sách gồm 2000 bài báo, cuốn sách".  Đối với Bác, quá trình đi tìm đường cứu nước nói riêng và hoạt động cách mạng nói chung là cách áp dụng những tinh hoa, kiến thức của sách báo vào thực tiễn. Đây là một trong những bài học quan trọng mà thế hệ trẻ cần noi theo. 

Chia sẻ quan điểm về sách in và sách điện tử, PGS.TS. Lưu Văn Quyết cho biết: “Tôi nghĩ dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu cũng không thể thay thế văn hóa đọc sách giấy. Bởi lẽ, việc cầm một quyển sách, đọc từng dòng chữ giúp chúng ta ghi nhớ lâu hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng phương pháp ghi chú của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phục vụ nghiên cứu. Vì không phải ai cũng có khả năng đánh dấu trực tiếp trên thiết bị số hóa. Tóm lại, tùy từng công việc, mục đích, hoàn cảnh sẽ lựa chọn hình thức sách truyền thống hay trực tuyến sao cho phù hợp”. 

Theo PGS.TS. Lưu Văn Quyết, các bạn trẻ khi đọc sách cần ghi chép cẩn thận, không vội tin ngay. Nếu vừa đọc mà tin ngay là... khinh tác giả. Thay vào đó, hãy biết tư duy, so sánh, cập nhật, đối chiếu, tự ghi chép theo cách hiểu của mình. Ông cũng khuyên sinh viên hãy noi gương Bác Hồ có phương pháp ghi chép sách báo đã đọc bằng nhiều bút nhiều màu để dễ dàng tra cứu và áp dụng vào thực tế. 

PGS.TS. Lưu Văn Quyết chia sẻ tại tọa đàm:

Tại tọa đàm, PGS.TS. Lưu Văn Quyết cũng gợi ý cách để hình thành thói quen đọc sách, đó là thay vì lướt mạng xã hội, các độc giả hãy chọn những đầu sách nâng cao kiến thức chuyên môn và khai mở tâm trí, hướng đến giá trị cốt lõi Chân - Thiện - Mỹ. Bên cạnh đó, không nên đọc quá nhiều một lúc, hoặc chọn những đầu sách quá nặng, dễ nản và bỏ giữa chừng. Cách tốt nhất là mỗi người hãy tập đọc sách báo mỗi ngày, vừa đọc vừa ghi chú và tóm tắt nội dung đã đọc.