Hai cuộc điện thoại gần đây từ những phụ huynh quen biết đã khiến tôi suy nghĩ nhiều về chủ đề học thêm và cũng hiểu rõ được vì sao học thêm luôn là mối quan tâm dai dẳng trong giáo dục. 

Khi con cái bị điểm kém, bạn sẽ nghĩ ngay đến giải pháp nào? Có phải việc đầu tiên hiện lên trong đầu là cho con đi học thêm? Đây có thực sự là câu trả lời tối ưu?

Khi con trai lớn của tôi vào lớp 6, cậu thông báo điểm Toán học kỳ I chỉ đạt 5.8. Thay vì lo lắng, tôi hỏi con một câu đơn giản: "Con nghĩ vì sao con lại bị điểm thấp?". Đối với tôi, quan trọng là tìm ra nguyên nhân gốc rễ và xây dựng giải pháp cá nhân hóa phù hợp. 

IMG_1E128FFB99E2 1.jpg
Chị Vi Hải có 2 con trai, lớp 10 và lớp 7, hiện sống ở Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, không ít lần tôi bị "phê bình" không cho con học thêm để cải thiện điểm số vì bạn lớn hầu như không học thêm. Cho đến tận năm lớp 9 bạn mới tự yêu cầu học thêm.

Ngược lại, với con trai thứ hai, tôi lại có xu hướng đi tìm một lớp hoặc một thầy cô nào đó đồng hành cùng con ngoài giờ học ở trường về môn Toán. Nhưng bạn ấy hoàn toàn tẩy chay và từ chối học thêm, tôi tôn trọng quyết định này, dù điểm số môn Toán của con không mấy khả quan. 

Suốt từ cuối năm lớp 5 cho tới tận hết kỳ 1 Lớp 7, tôi kiên nhẫn đồng hành, thảo luận về ý nghĩa của việc học, về lựa chọn và trách nhiệm của mỗi quyết định. Khi kỳ thi giữa học kỳ 1 lớp 7 diễn ra, tôi cũng đề nghị cả thầy cô ở trường không có bất cứ một sự nhắc nhở, thúc giục nào, để bạn tự đối diện với kết quả - tôi cần một cú hích giúp bạn nhận ra bản thân cần điều chỉnh.

Tại sao tôi lại có 2 sự ứng xử khác nhau vậy với 2 con - một bạn hầu như không học thêm, trong khi một bạn cần sự hỗ trợ của giáo viên ngoài mẹ? Đó là vì, như đã nói ở trên, học thêm đối với tôi là công cụ, là một hình thức học bổ sung nhằm củng cố kiến thức hoặc nâng cao kỹ năng, không phải "cây đũa thần" giải quyết mọi vấn đề. 

Tôi biết con của bạn tôi đi học thêm tất cả các ngày trong tuần, có ngày vài ca nhưng chuyên ngồi cuối lớp và chơi game. Điểm vẫn thấp, vẫn lười và thi rớt tốt nghiệp.

Em họ tôi từng chia sẻ rằng: "Tại mẹ cứ bắt đi học, nên bọn em đến nhà thầy học, lớp đông, chẳng hiểu gì, thế là rủ nhau đi đá banh hoặc đi chơi". Trước khi quyết định việc cho con đi học thêm hay không, tôi luôn trả lời những câu hỏi quan trọng:

Nguyên nhân gốc rễ của điểm số thấp là gì? Có thể do thiếu hụt kiến thức, nhưng cũng có thể do vấn đề thể chất, tâm lý, hoặc phương pháp học chưa hiệu quả.

Khả năng học tập của con ra sao? Con tiếp thu tốt nhất khi học một mình, học nhóm, hay cần giáo viên hướng dẫn trực tiếp?

Mục tiêu của việc học thêm là gì? Chuẩn bị cho kỳ thi lớn hay đơn giản là bù đắp những lỗ hổng kiến thức?

Nguồn lực và chi phí cho học thêm? Ngân sách gia đình có cho phép không, và lớp học nào là phù hợp?

Tôi thấu hiểu: Không phải cứ cho con vào lớp thầy cô nổi tiếng hay tìm gia sư riêng là giải pháp tốt nhất. Cũng không phải lớp đông, học nhóm, hay học 1:1 luôn mang lại hiệu quả như mong đợi. Tất cả phụ thuộc vào sự thấu hiểu cá nhân và triết lý giáo dục của cha mẹ.

Cũng vì quan điểm học thêm thuần túy là một trong nhiều công cụ nên với tôi, có vẻ nó sẽ là công cụ SMART hơn khi tôi: Lắng nghe con để hiểu mong muốn và khó khăn thực sự; Phân tích nguyên nhân trước khi đưa ra giải pháp; Cá nhân hóa hành trình học tập thay vì chạy theo xu hướng; Quyết định học thêm chỉ xuất hiện khi các con tự ý thức được tầm quan trọng của nó và cảm nhận được niềm vui.

(SMART là viết tắt của các từ: Specific - Cụ thể, Measurable - Có thể đo lường, Attainable - Khả thi; Relevant - Phù hợp; và Time-bound - Giới hạn về thời gian).

Đặc biệt, học thêm không quyết định việc con chăm học, ít chơi game hay trở nên ngoan ngoãn. Những vấn đề mang tính triết lý và đạo đức tôi thiết nghĩ cần được giải quyết từ gốc rễ, không thể dùng học thêm như một giải pháp thần kỳ. 

Với tôi, trên tất cả vẫn là cần tập trung vào xây dựng triết lý giáo dục rõ ràng cho gia đình và phát triển năng lực học tập cá nhân hóa cho con, bởi triết lý, phương pháp và sự đồng hành mới là chìa khóa.

Phụ huynh Vi Hải (Biên Hòa, Đồng Nai)

Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!