Hôm nay thực sự là một ngày hội lớn của nhà trường, đầy đủ các thế hệ đã hội tụ về đây. Trong không khí vui tươi, phấn khởi của lớp lớp thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, tôi rất vui mừng tới dự, chung vui cùng một sự kiện nhiều ý nghĩa, ấm áp tình thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè của thầy và trò Học viện.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường Bưu điện - Vô tuyến điện, đơn vị tiền thân của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ngày nay, thay mặt Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi thân ái gửi đến các thế hệ cán bộ, công nhân viên, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Học viện những tình cảm tốt đẹp và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.
Cách đào tạo của trường thì có thể thay đổi, ngành nghề có thể mở rộng, nhưng sứ mệnh ban đầu ấy thì Học viện nên giữ và phải giữ.
Nhân dịp này, tôi xin được gửi lời thăm hỏi và lời cám ơn trân trọng tới các đồng chí cán bộ lãnh đạo lão thành của Ngành Thông tin và Truyền thông, của Tập đoàn VNPT và các đồng chí lãnh đạo Học viện các thời kỳ, các thế hệ giáo viên, sinh viên, những người đã đồng hành cùng 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của trường Bưu điện và nay là Học viện.
70 năm trước đây, năm 1953, chỉ 8 năm sau ngày cách mạng thành công, Đảng và Nhà nước ta, ngay trong giai đoạn kháng chiến ác liệt, đã quyết định thành lập một trường riêng để đào tạo nhân lực cho lĩnh vực bưu điện.
Sứ mệnh ban đầu đặt ra là đào tạo cả lớp tinh hoa, những người trưởng ngành, trưởng ty và cả đông đảo lực lượng thực hành, triển khai. Cách đào tạo của trường thì có thể thay đổi, ngành nghề có thể mở rộng, nhưng sứ mệnh ban đầu ấy thì Học viện nên giữ và phải giữ.
Ngành bưu điện đã liên tục phát triển cùng với sự phát triển của đất nước, cùng với thời đại. Từ bưu điện đến bưu chính viễn thông, rồi đến CNTT và CNS, rồi nhập với báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, truyền thông và thông tin cơ sở. Để hôm nay, chúng ta là ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Hầu như trong mọi giai đoạn phát triển, chúng ta đều có một trường đại học riêng cho ngành, thể hiện tầm nhìn chiến lược của các thế hệ lãnh đạo về tầm quan trọng của đào tạo nhân lực.
Hiện nay, ngành TT&TT có đủ bộ ba về đào tạo: một đại học TT&TT, một cao đẳng TT&TT và một trường đào tạo cán bộ TT&TT. Tất cả ba trường của Bộ đều phải đào tạo đủ các lĩnh vực của Bộ, phải là trường số một về đào tạo các lĩnh vực của ngành TT&TT, là trường số một về đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành TT&TT. Học viện phải luôn bám sát sự phát triển của Bộ, của Ngành, của đất nước và của thời đại.
Suốt 70 năm qua, cùng với các giai đoạn lịch sử của dân tộc, nhà trường đã trải qua nhiều lần đổi tên, từ trường Bưu điện – Vô tuyến điện sang Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc và nay là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Nhưng ở giai đoạn nào, trường cũng hoàn thành sứ mệnh cao cả là trồng người của mình.
Nhà trường đã đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý có năng lực và tâm huyết, đáp ứng kịp thời nhu cầu của Ngành trong suốt các thời kỳ cách mạng, từ trong kháng chiến chống thực dân xâm lược, rồi đến giải phóng miền Nam, thống nhất nước, và sau đó là Đổi mới và nay là xây dựng Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao.
Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống, Học viện đã tổ chức lễ khánh thành Bia kỷ niệm nơi đặt trụ sở đầu tiên khi thành lập trường Bưu điện – Vô tuyến điện tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các thế hệ thầy và trò Học viện.
Đây không chỉ đơn giản là một tấm bia kỷ niệm mà còn là tấm lòng tri ân, biết ơn của cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện hôm nay với những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các thế hệ thầy và trò đầu tiên của nhà trường. Không giữ gìn quá khứ thì sẽ không có bản sắc và cũng không đi xa được. Cánh diều muốn bay cao thì phải có sợi dây giữ nó với gốc, nếu không thì cánh diều sẽ bị gió cuốn đi và rơi xuống. Biết ơn phải luôn là một giá trị cốt lõi của Học viện.
Hôm nay, có mặt tại đây nhiều cựu sinh viên của trường. Quay về mái trường xưa, gặp lại thầy cô, bạn bè, kỷ niệm xưa luôn là niềm hạnh phúc lớn. Các cựu sinh viên luôn là một bộ phận không tách rời của trường. Họ học ở đây rồi ra đời làm việc và trưởng thành, nhưng trong tim vẫn luôn là nỗi nhớ, luôn muốn quay về.
Nhiều người muốn đóng góp, dù chỉ một chút nhỏ, một giọt nước nhỏ cho trường, tức là đóng góp cho sự nghiệp đào tạo, cho thế hệ tương lai của đất nước, mong chất lượng đào tạo của trường tốt hơn, mong các thế hệ sinh viên sau này ra đời thành công hơn. Những con sông rồi biển cả cũng là từ những giọt nước.
Trường đại học Harvard bên Mỹ có những năm trên 40% nguồn thu của trường là từ đóng góp của các nhà từ thiện và cựu sinh viên. Học viện rất nên tiếp nhận những đóng góp này để đầu tư cho cơ sở vật chất của trường, nhất là các phòng lab thực hành, các phòng thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu.
Ngành ta đang bước vào cuộc Đổi mới lần hai, với nhiều đặc điểm mới rất quan trọng. Học viện cần nhận thức sâu sắc những thay đổi này để đổi mới đào tạo.
Đổi mới lần 2 thì nội hàm của viễn thông đã thay đổi. Hạ tầng viễn thông vốn là hạ tầng thông tin liên lạc, thì nay trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, gọi là hạ tầng số, tham gia vào mọi khía cạnh của đời sống KT-XH. Hạ tầng số thì ngoài viễn thông còn có điện toán đám mây, Internet vạn vật, cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng trên không gian mạng.
Hạ tầng số là hạ tầng của chuyển đổi số. Hạ tầng số là để số hoá thế giới thực và hình thành một không gian mới, không gian số, hay còn gọi là không gian mạng. Loài người có thêm một không gian mới là không gian mạng để sống, làm việc và sáng tạo. Lần đầu tiên loài người thay vì tiêu xài và làm cạn kiệt các loại tài nguyên thì sinh ra một loại tài nguyên mới vô hạn, đó là dữ liệu số.
Đổi mới lần 1 thì chủ yếu dựa trên công nghệ nước ngoài, Đổi mới lần 2 thì chủ yếu phải dựa trên công nghệ Việt Nam phát triển. Chúng ta đã nghiên cứu sản xuất được thiết bị mạng lưới viễn thông, làm chủ nền tảng số, công nghệ điện toán đám mây, nền tảng IoT. Đổi mới lần 1 thì tập trung vào trong nước. Đổi mới lần 2 còn là đi ra nước ngoài chinh phục thị trường quốc tế.
Đổi mới lần 1 là phổ cập viễn thông, Internet. Đổi mới lần 2 là phổ cập công nghệ số đến từng doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân để họ có công cụ hiện đại để làm ăn, nó giống như phổ cập điện, nước vậy. Thay vì phổ cập dịch vụ thì phổ cập công cụ lao động hiện đại, biến công cụ lao động đắt tiền thành dịch vụ giá rẻ.
Đổi mới lần 2 phải nhấn mạnh khía cạnh đạo đức của công nghệ, sử dụng một cách có trách nhiệm các công nghệ số mới, nhất là AI. Bởi vì công nghệ số cũng có sức mạnh phá huỷ không kém gì sức mạnh phát triển thịnh vượng.
Đổi mới lần 2 thì công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân lực số, nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản, đổi mới sáng tạo số trở thành động lực cơ bản cho phát triển.
Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp sẽ tạo ra một điểm gẫy trong tiến trình phát triển. Khi đó, tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Đây cũng chính là lúc mà những ước mơ lớn của Học viện sẽ có cơ hội để thực hiện. Lúc này, ước mơ càng lớn thì càng có cơ hội để thực hiện.
Công nghệ số của cuộc CMCN lần thứ tư sẽ mở rộng giới hạn của Học viện. Những khó khăn lớn và kéo dài của Học viện nhiều chục năm nay, như thiếu giáo viên, thiếu học liệu chất lượng, thiếu phòng lab thực tập, thiếu đất đai, giảng đường, thiếu kết nối với các cựu sinh viên, quy mô học viện tăng chậm,... sẽ được giải quyết bằng những cách tiếp cận mới.
Thay đổi góc nhìn, thay đổi cách tiếp cận có thể biến một việc rất khó, không khả thi thành một việc khả thi. Ước mơ lớn và góc nhìn mới là dấu hiệu và cũng là điều kiện để trở thành một nhà lãnh đạo thời chuyển đổi số. Lãnh đạo Học viện phải là các nhà lãnh đạo thời chuyển đổi số.
Mỗi thế hệ phải kế thừa quá khứ và mở ra tương lai. Chỉ có như vậy dòng chảy của Học viện mới lên tục. Học viện đang có một thế hệ lãnh đạo mới trẻ, nhiệt huyết, đoàn kết và có khát vọng, hãy đi con đường của mình và viết nên câu chuyện của thế hệ mình. Hãy đến một đích mới. Tìm ra thế hệ kế tiếp và rời đi để cho một thế hệ khác viết nên một trang mới nữa của Học viện.
Cách tốt nhất để tôn vinh các thế hệ đi trước là làm cho Học viện phát triển lên một tầm cao mới. Thế hệ hôm nay có điều kiện hơn thế hệ đi trước thì phải có giấc mơ lớn hơn và có đóng góp lớn hơn cho Học viện. Thế hệ lãnh đạo Học viện hôm nay phải nhận lấy trách nhiệm này. Nếu không làm như vậy thì Học viện sẽ chỉ có quá khứ mà không có tương lai, và Học viện sẽ suy thoái. Và rồi các thế hệ cha anh của Học viện, các cựu sinh viên của Học viện sẽ không có chỗ để về. Vậy là có lỗi với cha anh mình!
Tôi mong muốn toàn thể cán bộ, công nhân viên, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên Học viện tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong, đi đầu và 10 chữ vàng: “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” của Ngành, với phương châm hành động: “Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá”, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 của Học viện.
Bộ TT&TT luôn bên cạnh Học viện, định hướng và tạo mọi điều kiện tốt nhất để Học viện phát triển trở thành đại học hàng đầu về TT&TT ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh các đồng chí không chỉ là Bộ TT&TT mà còn là cả ngành TT&TT. Bởi vì sự phát triển của Học viện sẽ góp phần quan trọng tạo ra sự phát triển của Ngành, của Bộ.
Chúc toàn thể cán bộ, công nhân viên, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên Học viện với sứ mệnh mới, niềm tin mới và năng lượng mới sẽ luôn được an vui, mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục đóng góp trí tuệ và công sức vào sự nghiệp phát triển của Học viện, của Ngành và của Đất nước!
Xin một lần nữa được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo của Bộ TT&TT, của Học viện, các thế hệ thầy cô, công chức, viên chức, người lao động và các thế hệ sinh viên!
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng