Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục phổ biến pháp luật- Bộ Tư pháp; các đại biểu là lãnh đạo, công chức đại diện tổ chức pháp chế các Bộ, ngành Trung ương, báo cáo viên pháp luật trung ương và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Tham dự Hội nghị tại 170 các điểm cầu các địa phương có giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ngãi, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang và 53 PGĐ Sở Tư pháp các TP trực thuộc trung ương.

Đặc biệt, Hội nghị còn có sự tham dự của gần 9.500 báo cáo viên cấp tỉnh, huyện và công chức pháp chế tại các sở, ban, ngành địa phương.

Về báo cáo viên truyền đạt tại Hội nghị có ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục báo chí Bộ TTTT; ông Vũ Thế Cường, giảng viên Viện Báo chí truyền thông- Học Viện Báo chí và tuyên truyền; Ông Phan Hồng Nguyên, bà Ngô Quỳnh Hoa, đều là Cục phó Cục Phổ biến giáo dục pháp luật.

449412567_512080061155482_4876431500605540254_n.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: T.Nhung 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của các cán bộ công tác pháp chế tại các bộ, ngành và các Sở Tư Pháp, đông đảo các báo cáo viên pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Theo Thứ trưởng, cần phải ứng dụng AI, trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách có hiệu quả. Công tác truyền thông chính sách, pháp luật; triển khai thi hành chính sách, pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; việc thực hiện triển khai Đề án số 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” phải luôn gắn liền với nhau.

Theo đó, trọng tâm là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời cần phải “làm giàu” các nguồn tài nguyên, dữ liệu đưa vào cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, làm tốt công tác truyền thông, thông tin về pháp luật, sẽ giải quyết được nội dung rất lớn, đó là đạo lý về pháp luật, đạo lý về chính sách. Những mục đích của pháp luật, quy phạm pháp luật được truyền thông để đông đảo người dân, doanh nghiệp hiểu sâu được, thấy được đạo lý, để từ đó đồng thuận, tự giác thực hiện, thực thi.

Chính vì vậy, Đề án truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng, Chính phủ đặt ra cần làm tốt công tác này để có sự đồng thuận ngay trong quá trình soạn thảo. Đây là điểm mới trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung.

Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn gặp phải trong quá trình thực hiện công tác truyền thông chính sách. Đồng thời, đưa ra các giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, pháp luật và nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông.

Kinh nghiệm để làm tốt truyền thông chính sách 

Tại Hội nghị, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã trình bày nội dung: Quán triệt một số nội dung cơ bản, những nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024- 2030”.

hoi nghi phap luat.jpg
Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật trình bày tại Hội nghị. Ảnh: T.Nhung

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật trình bày nội dung: Quán triệt một số nội dung cơ bản, những nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 4/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024- 2030”.

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những chia sẻ về chuyên đề báo chí và truyền thông chính sách tại Hội nghị. Trong đó chỉ ra kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông, nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng truyền thông và vấn đề thường gặp khi xử lý khủng hoảng truyền thông.

Ông Vũ Thế Cường, Giảng viên Viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội (Zalo, facebook, fanpage…) và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ biến kiến thức pháp luật qua các nền tảng mạng xã hội.

449503442_502468638888564_1777637532029492903_n.jpg
Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: T.Nhung

Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cám ơn các đại biểu đã tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương. 

Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật đề nghị báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương xác định được các chủ đề mới, nóng, truyền tải thông tin theo nhiều phương thức khác nhau để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách tới người dân, doanh nghiệp.