Sáng 13/6, Tổ Thư ký giúp việc của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã có buổi làm việc tại Bộ KH&ĐT về tình hình thực hiện các chương trình, đề án về truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Tham gia buổi làm việc có Tổ trưởng Tổ Thư ký Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp; Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT Hoàng Mạnh Phương; một số thành viên Tổ Thư ký (Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính; Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông,...); đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT; đại diện một số đơn vị chức năng liên quan…
Theo cáo báo của Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT về tình hình triển khai các hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, từ năm 2022 đến nay, Bộ chủ trì soạn thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 82 văn bản quy phạm pháp luật.
Trong quá trình soạn thảo các văn bản này, Bộ KH&ĐT đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức để tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội thông qua việc đăng tải dự thảo toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trên các Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp,... theo quy định của pháp luật để lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.
Bộ cũng tổ chức các cuộc họp, Hội thảo, Hội nghị lấy ý kiến đầy đủ đối tượng chịu sự tác động từ Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội… và có sự tham gia của cơ quan thông tin, báo chí.
Theo Bộ KH&ĐT, đầu năm 2023, khi tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, ngày càng phức tạp; các yếu tố rủi ro gia tăng cả về mức độ, phạm vi, tính chất trên quy mô toàn cầu …, Bộ KH&ĐT kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng hợp các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ cũng tham mưu cho Lãnh đạo Chính phủ các báo cáo về tình hình triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vào tháng 6/ 2023 và doanh nghiệp nhà nước tháng 9/ 2023...
Những khó khăn, tồn tại
Trình bày về những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các chương trình, đề án, phía Bộ KH&ĐT cho biết, do số lượng biên chế còn hạn chế, Vụ Pháp chế và nhiều đơn vị vẫn thiếu công chức so với quy định nên chưa bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện các Đề án, chủ yếu là kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, kinh phí cho triển khai các Đề án còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép.
Đối với hỗ trợ tư pháp doanh nghiệp, Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT cho biết, Vụ chưa ban hành văn bản, kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Bộ.
Là cơ quan được giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ KH&ĐT có rất nhiều thuận lợi, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng chưa quan tâm, chú trọng lồng ghép, kết hợp triển khai nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu theo quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP chưa được triển khai đầy đủ.
Ngoài cơ sở dữ liệu về văn bản pháp luật, Bộ cũng chưa thiết lập được cơ sở dữ liệu khác như vụ việc, vướng mắc về pháp lý; chưa xây dựng chuyên mục/mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Các khóa đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp được triển khai với số lượng lớn, chưa chú trọng lồng ghép nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Phía Bộ KH&ĐT mong muốn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để triển khai trọng tâm, trọng điểm hơn.
Phát biểu kết luận, Tổ trưởng Tổ Thư ký Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp chia sẻ những khó khăn mà Bộ KH&ĐT gặp phải, ghi nhận những cố gắng của Bộ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Vệ Quốc, đối với trách nhiệm truyền thông chính sách pháp luật, cũng thừa nhận rằng, còn những việc Bộ KH&ĐT làm chưa tốt. Chưa thấy vai trò của đầu mối tham mưu cho lãnh đạo Bộ.
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn cho các đơn vị chức năng ở Bộ KH&ĐT chưa thật sự mạch lạc. Ở từng lĩnh vực, từng văn bản, đạo luật, việc hướng dẫn cho các đơn vị chức năng chưa thật rõ ràng, chặt chẽ.
Ông Lê Vệ Quốc mong có sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ KH&ĐT và Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp để làm tốt hơn việc thực hiện các chương trình, đề án về truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.