Theo thống kê của Sở GD-ĐT Gia Lai, địa phương này có 714 trường mầm non, phổ thông công lập với 392.025 học sinh. Tổng số giáo viên từ bậc mầm non đến phổ thông trong biên chế là 19.040, nhưng không đủ nhu cầu dạy học.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai cho hay, bước vào năm học mới 2022-2023, tỉnh hiện thiếu khoảng 3.721 giáo viên ở tất cả các cấp học. Trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên ở bậc mầm non và tiểu học, chủ yếu nằm ở các môn Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW giao bổ sung cho các địa phương 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026; riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Trong đó, Gia Lai được giao tổng cộng 1.244 biên chế giáo viên, gồm: 574 chỉ tiêu giáo viên mầm non, 339 chỉ tiêu giáo viên tiểu học, 237 chỉ tiêu giáo viên bậc THCS và 94 chỉ tiêu bậc THPT.
Theo ông Định, với số biên chế được giao bổ sung thêm này, ngành giáo dục tỉnh sẽ bớt được phần nào khó khăn trong thời gian tới.
Ông Định cho hay, ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, sáp nhập các điểm trường, tính toán cụ thể sĩ số lớp học,... Cùng đó, phối hợp với Sở Nội vụ và các huyện, thị xã, thành phố để rà soát, tính toàn trường nào thiếu hay đủ giáo viên,... trước khi phân bổ chỉ tiêu biên chế cho từng địa phương và tổ chức tuyển dụng.
Đặc biệt, ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục ở vùng khó khăn.
“Song, kể cả khi tuyển được 1.244 biên chế được giao bổ sung thêm, nếu so với số thiếu ban đầu (3.721) thì vẫn còn thiếu 2.477 giáo viên. Do đó, chúng tôi phải kết hợp thêm nhiều giải pháp để giải quyết chuyện thiếu giáo viên”, ông Định nói.
Một trong những giải pháp trước mắt mà Gia Lai đưa ra là biệt phái, điều động giáo viên giữa các trường để hỗ trợ nhau.
“Với những môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật, có thể chúng tôi sẽ sử dụng giáo viên dạy cho nhiều bậc học, nhiều trường. Ví dụ, trong một cấp học, sẽ cho giáo viên dạy ở nhiều trường. Thậm chí, có thể huy động giáo viên cấp học này dạy cấp học khác,... sao cho đảm bảo đủ số tiết theo quy định”, ông Định chia sẻ về giải pháp giải quyết bài toán thiếu giáo viên.
TP.HCM cho các trường chia sẻ giáo viên để thỉnh giảng Thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2022-2023, thành phố cần tuyển 5.214 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non cần 892 người, bậc tiểu học cần 2.355 người, bậc THCS cần 1.698 người, bậc THPT cần 296 người. Đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng (Các môn Công nghệ, Tin học) và vị trí giáo viên môn mới (Các môn Âm nhạc và Mỹ thuật), Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn tất cả các đơn vị trực thuộc chủ động liên kết, để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn (theo quy định tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ) với điều kiện đặt ra là các trường hợp này phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học. |