Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ chia sẻ tại buổi làm việc với các đơn vị để đánh giá kết quả sau hơn 2 tháng triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội, sáng 15/6.
Trong số hơn 10.000 chữ ký số được cấp miễn phí cho người dân, Tổng công ty Viễn thông Viettel đã cấp 3.440 chữ ký số; VNPT Hà Nội cấp 2.114 chữ ký số; Tập đoàn FPT cấp 2.033 chữ ký số và Tập đoàn công nghệ Bkav đã cấp được hơn 2.000 chữ ký số.
Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC, Bộ TT&TT) cũng đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm cấp được trên 1.100 chữ ký số tại gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho công dân Thủ đô trên phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ cho hay, chữ ký số mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch trên môi trường điện tử, là điều kiện không thể thiếu để hướng tới chuyển đổi số, Chính phủ số trong tương lai.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, việc ứng dụng chữ ký số trong quá trình chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Thời gian tới, UBND Thành phố sẽ trình HĐND có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký hiện nay.
Đại diện Viettel cho rằng, chữ ký số hiện chưa được phủ rộng trong các loại hình giao dịch điện tử, đối tượng chủ yếu vẫn là các tổ chức, doanh nghiệp, trong khi chữ ký số cá nhân chưa được sử dụng rộng rãi. Người dân chưa được tiếp cận và chưa hiểu hết lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc biết nhưng vẫn còn ngại khi sử dụng…
Theo số liệu của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Việt Nam hiện có 23 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Trong 2,1 triệu chứng thư số công cộng đang hoạt động, lượng chứng thư số cá nhân chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 23%.
Trước những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, Sở TT&TT Hà Nội sẽ tổng hợp, báo cáo và đề xuất Thành phố, Bộ TT&TT kịp thời giải quyết, tháo gỡ.
Hà Nội đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm 100% người dân có tài khoản trên cổng dịch vụ công, tối thiểu 50% hồ sơ phát sinh được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến. Đặc biệt, 100% công dân của Thủ đô được cấp chữ ký số miễn phí để phục vụ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch trên môi trường điện tử. |