Ngày 20/3, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng kết kết quả lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đến ngày 18/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thực hiện tổng hợp báo cáo, ý kiến góp ý. Theo đó Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được 230 lượt ý kiến góp ý tại 12 hội nghị, hội thảo; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với hơn 1,3 triệu lượt góp ý kiến.
Tổng hợp lại tất cả, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân.
Trong đó, có rất nhiều ý kiến tâm huyết, trong số đó có những bản đóng góp lên đến hàng chục trang góp ý vào hầu hết các nội dung trong dự thảo; có những bản góp ý được viết tay tỉ mỉ, trang trọng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến dự thảo này.
Hầu hết các ý kiến đều đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến Nhân dân đã có nhiều nội dung mới và có định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội.
Việc sửa đổi Luật Đất đai là một vấn đề rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Việc tổ chức lấy kiến Nhân dân rộng rãi lần này đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
Có ý kiến đề nghị lùi thời hạn thông qua Luật Đất đai sửa đổi
Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật lần này cần thêm thời gian, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tuy cần thiết nhưng còn gấp gáp, không tránh khỏi tình trạng hình thức còn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị.
Để Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết 18 thì đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét có nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, có thể lùi thời hạn thông qua để có thời gian nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận việc tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần của Ban Soạn thảo, dự thảo lần này cơ bản đã thể chế hóa những chính sách lớn tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tập hợp, tổng hợp ý kiến của Nhân dân, Ban Thường trực nhận thấy hiện vẫn còn một số nội dung chưa thật sự phù hợp hoặc thể chế chưa đầy đủ Nghị quyết số 18. Thậm chí, nhiều điều luật trong dự thảo không mang tính quy phạm mà diễn đạt lại nội dung của Nghị quyết, chưa quy định rõ quyền, trách nhiệm của từng chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai.
Chẳng hạn như về việc thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị; việc bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…