Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết dự thảo luật được chuẩn bị bài bản, khoa học, công phu.
Quá trình xây dựng dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã quán triệt tinh thần tổng kết, chỉ đạo trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về vấn đề đất đai.
Dự thảo luật nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất sâu sát của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ; các uỷ ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; các bộ, ngành; chính quyền các cấp; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội…
Nhiều hội nghị, toạ đàm đã được tổ chức để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân… một cách bài bản, khoa học, sát thực tiễn, khả thi, tập trung, đúng đối tượng.
Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khẳng định vai trò quan trọng của đất đai trong mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân; phát huy trí tuệ của nhân dân; đưa thực tiễn, đòi hỏi của cuộc sống vào luật; là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đất đai.
Góp ý sát thực tiễn, đặc thù của địa phương
Gợi ý một số nội dung cần tập trung lấy ý kiến, Phó Thủ tướng cho biết tại các tỉnh phía nam, đất đai là lĩnh vực hết sức quan trọng, nóng bỏng trước yêu cầu cấp thiết là giải phóng nguồn lực đất đai, đóng góp tốt hơn, hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá tốt hơn, hiệu quả hơn.
"Những vấn đề lớn về quản lý đất đai tại các tỉnh phía nam trong Nghị quyết 18-NQ/TW về 'Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao' được cụ thể hoá trong dự thảo luật đã sát với thực tiễn chưa?", Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề đặc thù về lịch sử, điều kiện tự nhiên liên quan đến nguồn gốc hình thành, mối quan hệ đất đai, ở các tỉnh phía nam như: Hạn điền; hạn mức chuyển nhượng; chuyển dịch đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, hỗ trợ; quyền sử dụng đất ở gắn với đất vườn, ao, hồ; sử dụng đất đa mục đích, đất hỗn hợp để khai thác hiệu quả đất đai…
Tính toán các chỉ tiêu đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố phía nam đang có tốc độ chuyển dịch đất nông nghiệp rất nhanh gắn với quá trình đô thị hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Phó Thủ tướng cho rằng cần tính toán hợp lý chỉ tiêu đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên… tại các tỉnh phía nam, nhất là khu vực Tây Nam Bộ, để vừa bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.
Về phân bổ, điều chỉnh nguồn lực đất đai, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải có công cụ điều tiết giá trị tăng lên từ đất đai ở những khu vực có điều kiện chuyển dịch đất đai để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… sang những khu vực, địa phương, dự án, cộng đồng dân cư không phát sinh giá trị tăng lên từ đất đai, hoặc hạn chế trong chuyển dịch đất đai.
"Đơn cử, các tỉnh Tây Nam Bộ rất hạn chế chuyển dịch đất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực, giữ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên,… thì phải có cơ chế điều tiết lợi ích thu được từ đất đai ở các địa phương khác. Tương tự, hoạt động chuyển dịch đất đai không chỉ hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước tại nơi triển khai dự án mà cần điều tiết lợi ích, bảo đảm công bằng giữa các cộng đồng, địa phương khác", Phó Thủ tướng phân tích thêm.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra của Luật Đất đai (sửa đổi) là phải phù hợp với điều kiện lịch sử, tự nhiên, văn hoá của các vùng, miền; vừa bảo đảm tính đa dạng, sự giao thoa trong chính sách quản lý, phân bổ đất đai, vừa bảo đảm quyền tiếp cận đất đai công bằng của mọi người dân.
Phó Thủ tướng mong muốn ý kiến của các tỉnh phía nam đóng góp trực tiếp vào từng điều, khoản, mục trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để giúp cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo tốt hơn.
Tháo gỡ nút thắt, "cởi trói" cho nguồn lực đất đai
Lãnh đạo các tỉnh phía nam đánh giá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ bản đã thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW, có những điểm mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng đất.
Là người có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2013, ông Nguyễn Văn Giàu, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bám sát chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về đất đai.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, tiếp tục cụ thể hoá nội dung về trường hợp giao đất, cho thuê đất thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm; cơ chế giao đất, cho thuê đất sản xuất nông nghiệp;…
Từ kinh nghiệm quản lý đất đai tại địa phương, lãnh đạo UBND các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Tháp… đóng góp nhiều ý kiến sát thực tiễn, về vấn đề định giá đất; bổ sung các điều, khoản thu hồi đất, bồi thường, tái định cư… tương thích với các luật, nghị định có liên quan; thẩm quyền của địa phương về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, phát triển quỹ đất…
Nhiều nội dung dự thảo luật đã được thực hiện thí điểm
Giám đốc Sở TN&MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết doanh nghiệp, người dân, chính quyền địa phương đánh giá cao quan điểm xem đất đai là nguồn lực phát triển, tạo quỹ đất; tách nội dung thu hồi đất và bồi thường; thực hiện số hoá, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, giao dịch đất đai để đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý đất đai…
"Nhiều nội dung trong dự thảo luật đã được TPHCM thực hiện trước bằng cơ chế thí điểm như phân cấp, phân quyền để địa phương chủ động trong giao, cho thuê đất, thực hiện bồi thường…", ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.
Góp ý về quy định thu hồi đất, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch, tổ chức thực hiện; định giá bồi thường phải thoả đáng, sát giá trị thị trường; tái định cư phải triển khai trước, kết nối đầy đủ hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh cho người dân bị thu hồi đất. "Nếu thực hiện đúng như quy định trong dự thảo luật thì việc thực hiện thu hồi đất sẽ khả thi, thuận lợi", ông Nguyễn Văn Giàu nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận kiến nghị cần định lượng rõ ràng hơn, có tiêu chí cụ thể để thực hiện chủ trương người dân tái định cư có mức sống tốt hơn nơi ở cũ.
Nhiều ý kiến còn băn khoăn về phương án xây dựng bảng giá đất, cơ chế cập nhật, điều chỉnh giá đất khi có biến động trên thị trường; phân cấp trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương… được quy định trong dự thảo luật.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn về một số phương thức nhằm thu thập, cập nhật dữ liệu về giao dịch bất động sản, sử dụng các công cụ điều tiết thị trường của Nhà nước để giá đất sát với giá trị thị trường.
Hạ tầng dẫn dắt đất đai, xây dựng
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá các ý kiến tại hội nghị tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm, nhất là những nút thắt, hạn chế, trong quá trình chuyển dịch đất đai trở thành nguồn lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lực lượng lao động.
Công tác lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được các tỉnh phía nam thực hiện bài bản, khoa học, nhiều hình thức phong phú, là cơ sở khoa học, thực tiễn để xem xét, bổ sung, hoàn thiện dự thảo; huy động thực chất đóng góp trí tuệ của người dân.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quản lý đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là phải bảo đảm lợi ích, giá trị phát triển hài hoà trong từng dự án, với người dân, giữa các cộng đồng dân cư, khu vực, vùng miền.
Trao đổi thêm về các ý kiến trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch đất đai với quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác. Theo đó, quy hoạch giao thông dẫn dắt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai.
"Giao thông đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, tạo hệ sinh thái mới về đô thị, thương mại, dịch vụ. Chúng ta phải sử dụng nguồn lực đất đai đầu tư cho hạ tầng và dùng hạ tầng để phát triển nguồn lực đất đai", Phó Thủ tướng nói.
Nghiên cứu, đánh giá kỹ vấn đề tập trung đất đai
Về tập trung đất đai, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng cần nghiên cứu kỹ, trên cơ sở phân tích, đánh giá khả năng chuyển đổi nền kinh tế, chuyển dịch lực lượng lao động, tác động của thiên tai, dịch bệnh… Tập trung đất đai cần chú trọng vào phương thức tổ chức sản xuất trên cơ sở huy động đất đai quy mô lớn. Nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các cơ chế tham gia như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, cũng như lợi ích của các bên tham gia, bảo đảm hợp tác công bằng.
Phó Thủ tướng cũng trao đổi về vấn đề mức độ tích tụ đất đai; hạn mức đất ở gắn với vườn, ao, hồ,… nhằm tìm ra chính sách hài hoà với các khu vực, vùng miền khác, theo đúng tinh thần của Hiến pháp "đất đai là sở hữu toàn dân". "Toàn dân" không phải là từng người dân, cộng đồng dân cư cụ thể, địa phương cụ thể mà là của dân tộc, các thế hệ đi trước, hiện tại, cũng như tương lai.
Nêu thực tế đang tồn tại hai chính sách Nhà nước trực tiếp thu hồi đất đai và doanh nghiệp tự thoả thuận, dẫn đến cơ chế hai giá, Phó Thủ tướng nêu rõ Nhà nước là cơ quan quản lý, định giá, thực hiện thu hồi đất. Vì vậy, các địa phương phải bày tỏ quan điểm rõ ràng dự án nào doanh nghiệp thực hiện thoả thuận, dự áo nào Nhà nước trực tiếp thu hồi để điều tiết giá trị tăng thêm từ đất đai.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý quá trình công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch dự án cần sự tham gia của những người am hiểu, tách bạch cơ quan quản lý và đơn vị tư vấn, có đại diện của các chủ thể có liên quan…
"Khi triển khai những dự án phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, chúng ta phải huy động được người dân tham gia và thụ hưởng lợi ích thực chất. Quan trọng nhất là cơ chế, cách làm chứ không phải là quy định cụ thể, thực hiện máy móc. Đây cũng là mục tiêu lớn nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu làm rõ hơn nữa quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân, cơ quan quản lý đất đai, là người sử dụng đất đai; quyền sử dụng đất và tài nguyên, tài sản trên đất, trong đất; sự tham gia của người dân trong quá trình chuyển dịch đất đai trên cơ sở công khai, minh bạch cách thức chia sẻ lợi ích từ những dự án phát triển, không chỉ cho cộng đồng ngay tại địa phương, mà cả những địa phương, cộng đồng dân cư khác…
Theo VGP