Núi Non Nước (tên cổ là Dục Thúy Sơn), là ngọn núi nhỏ nằm ở ngã ba sông Vân và sông Đáy giao nhau. Đây được xem là hòn non bộ kỳ vĩ của TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Núi Non Nước không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp “cảnh tiên nơi cõi tục” mà còn được biết đến với “bảo tàng” thơ khắc trên đá độc đáo nhất Việt Nam.
Theo sử sách, núi Non Nước trước đây có tên là Sơn Thúy. Núi được danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu có công đầu phát hiện và đặt là Dục Thúy Sơn. Ông cũng là người đầu tiên lưu bút tích một bài thơ khắc vào đá trên ngọn núi này.
Núi Non Nước xưa là một vọng gác tiền tiêu bảo vệ thành Hoa Lư.
Đây cũng là nơi để các danh nhân nổi tiếng đến vãn cảnh, vịnh thơ, khắc thơ lên đá.
Hiện có hơn 40 bài thơ văn khắc vào núi đá, và có đến hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ qua nhiều triều đại như danh nhân Lê Thánh Tông, Lê Hiển Tông, vua Tự Đức; các danh sĩ Phạm Sư Mạnh, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm...
Dục Thúy Sơn đã trở thành đề tài cho các thi nhân xưa và nay, cũng như nơi tuyển thơ có một không hai trong thiên hạ.
Ngay dưới chân núi, du khách có thể bắt đầu chiêm ngưỡng những bài thơ khắc bằng chữ Hán in sâu vào đá. Có những nơi được khắc 3, 4 bài thơ liền nhau. Có bài thơ khắc treo leo ở những vách đá hiểm trở.... với nhiều thể loại thơ như: tứ tuyệt (4 chữ), ngũ ngôn (5 chữ), bát cú (8 câu), nội dung thơ đều thiên về tả cảnh, tả tình và nhân tình thế thái...
Năm 1962, núi Non Nước được công nhận Di tích danh thắng quốc gia, đến năm 2019 được xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt.
Trần Nghị