Thương vụ "sang tay" Honor trị giá 15 tỷ USD sẽ được thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt. |
Huawei có kế hoạch bán lại Honor, mảng điện thoại thông minh (smartphone) giá rẻ, với giá 100 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 15,2 tỷ USD. Bên mua trong thương vụ này là một liên minh dẫn đầu bởi công ty phân phối điện thoại di động Digital China và chính quyền thành phố Thẩm Quyến, hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Thông tin trên được hé lộ trong bối cảnh lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Huawei buộc nhà sản xuất smartphone lớn thứ nhì thế giới phải tập trung vào mảng điện thoại cao cấp và bộ phận kinh doanh hướng đến đối tượng khách hàng là doanh nghiệp - theo nguồn tin.
Trong số các hãng smartphone hiện nay, Huawei chỉ đứng sau đối thủ Hàn Quốc Samsung về doanh số. Năm 2019, có thời điểm Huawei vượt cả Samsung để đạt tới vị trí số 1.
Việc Huawei tính bán lại Honor cũng được xem là một dấu hiệu cho thấy khó có khả năng Mỹ sớm thay đổi quan điểm cho rằng Huawei là một rủi ro an ninh quốc gia, cho dù ứng viên Dân chủ Joe Biden được dự báo đắc cử Tổng thống Mỹ - nguồn tin nhận định.
Nguồn tin cũng nói rằng thương vụ "sang tay" Honor sẽ được thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt. Huawei sẽ sang nhượng gần như toàn bộ tài sản của mảng này, bao gồm thương hiệu, năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như hệ thống quản lý chuỗi cung ứng. Nhiều khả năng thương vụ sẽ được Huawei công bố chính thức sớm nhất vào ngày Chủ nhật tuần này.
Theo thông tin mà nguồn tin đưa ra, Digital China - nhà phân phối chính sản phẩm Honor - sẽ nắm cổ phần 15% trong Honor. Công ty này dự định sẽ dùng vốn vay ngân hàng để thanh toán cho thương vụ.
Mua Honor cùng với Digital China còn có ít nhất 3 quỹ đầu tư được hậu thuẫn bởi chính quyền Thẩm Quyến. Mỗi quỹ trong số này sẽ nắm cổ phần từ 10-15%.
Sau khi đổi chủ, Honor dự kiến sẽ giữ lại toàn bộ đội ngũ quản lý và hơn 7.0000 nhân viên, đồng thời có kế hoạch lên sàn chứng khoán trong vòng khoảng 3 năm.
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu triển khai các biện pháp nhằm cắt đứt quan hệ kinh doanh giữa các công ty Mỹ với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, trên cơ sở an ninh quốc gia. Huawei một mực phủ nhận cáo buộc của Mỹ cho rằng thiết bị của hãng này có "cửa sau" để tạo điều kiện cho hoạt động nghe lén của Trung Quốc.
Washington đã ra quy định khiến Huawei mất khả năng mua những loại chip có công nghệ Mỹ sử dụng trong thiết bị mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) và smartphone như các dòng điện thoại cao cấp P và Mate của hãng này.
Huawei thành lập Honor vào năm 2013 nhưng bộ phận này có hoạt động kinh doanh độc lập với công ty mẹ. Giới phân tích nói rằng Huawei thoái vốn khỏi Honor có nghĩa là Honor sẽ không còn là đối tượng của lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Huawei.
Honor bán các sản phẩm smartphone thông qua website riêng và các nhà bán lẻ bên thứ ba ở Trung Quốc, nơi hãng cạnh tranh với những thương hiệu như Xiaomi, Oppo và Vivo ở phân khúc bình dân. Ngoài ra, điện thoại Honor cũng có mặt tại một số thị trường khác như Đông Nam Á và châu Âu.
Điện thoại thương hiệu Honor chiếm 26% trong tổng số 51,7 triệu chiếc smartphone mà Huawei bán được trong quý 3 năm nay, theo ước tính của công ty phân tích Canalys. Ngoài smartphone, Honor còn sản xuất laptop, máy tính bảng, smart TV, và các thiết bị điện tử khác.
Nguồn tin nói rằng, do tỷ suất lợi nhuận thấp ở mảng smartphone giá rẻ, Honor chỉ đạt lợi nhuận ròng khoảng 6 tỷ Nhân dân tệ trên doanh thu 90 tỷ Nhân dân tệ trong cả năm 2019.
(Theo Vneconomy)
Xiaomi 'nhăm nhe' mua thương hiệu Honor từ Huawei?
Theo Reuters, Huawei đang đàm phán với tập đoàn Digital China và người mua tiềm năng khác như TCL, Xiaomi... để bán một phần bộ phận smartphone Honor.