GS. Nguyễn Đức Khương - Giám đốc điều hành EMLV Business School, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) – chia sẻ góc nhìn của mình khi trả lời phỏng vấn của VietNamNet.
Thu hút nhân tài kể cả người nước ngoài
Gần đây chúng ta nói nhiều về câu chuyện thu hút nhân tài và nguồn lực, nên có cách tiếp cận mới về vấn đề này như thế nào?
Nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, cho phát triển luôn là một thách thức lớn với nhiều quốc gia. Với khát vọng vươn lên với tầm nhìn trở thành một nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tìm cách thu hút và khai thác nguồn nhân lực tài năng ở phạm vi toàn cầu.
Tập hợp này trước hết nhắm đến người Việt trong và ngoài nước. Tiếp đến là cả người nước ngoài, có trình độ chuyên môn cao, quen với tính di động trong công việc, và thường rất quan tâm đến những điểm đến năng động, có tốc độ tăng trưởng cao. Họ đã được nước ngoài đào tạo chuyên môn cao, tại sao chúng ta không tận dụng nguồn lực này?
Bên cạnh việc cải thiện môi trường sống, điều kiện làm việc cũng như tiếp cận với dịch vụ y tế, giáo dục và sức khỏe, chúng ta có thể dùng những người kết nối (Connectors), là người Việt trong và ngoài nước có uy tín và có ảnh hưởng trong các lĩnh vực chuyên môn sâu.
Các bài học từ Trung Quốc, Israel, Singapore, hay Hàn Quốc là những minh chứng rõ nhất có cách tiếp cận này. Người Hoa kiều ở khắp nơi mang tiền, mang FDI, mang công nghệ và tri thức về Trung Quốc trong 20-30 năm trở lại đây.
Tôi cũng có dịp được nghe kinh nghiệm người Hàn Quốc kết nối những nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nhân gốc Hàn Quốc ở toàn cầu như thế nào với một cựu Bộ trưởng Pháp gốc Hàn. Tìm kiếm, phát hiện, và kết nối chuyên gia là những công việc họ làm một cách liên tục. Hay ở Singapore, trong tổng số gần 6 triệu người sống ở đây theo số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2023 thì có tới 38,4% là người có quốc tịch nước ngoài, trong số đó có rất nhiều chuyên gia bậc cao.
Nếu đi theo cách tiếp cận nhanh và mạnh này, liệu Việt Nam đã quá muộn, đặc biệt so với những nơi ông vừa kể tên, như Singapore, hay Dubai?
Đúng là lẽ ra chúng ta phải làm việc này từ lâu rồi, ít nhất từ 20 năm về trước, cần xây dựng các chính sách tiên phong, cơ sở hạ tầng cứng, và mềm. Singapore thu hút nhân tài quốc tế với cơ sở hạ tầng vượt trội, và các cơ hội không giới hạn. Thậm chí trong chính phủ, có những vị trí đặc thù buộc phải là công dân Singapore, còn lại đều có thể tuyển dụng người nước ngoài. Quan điểm của họ là chào đón những người tài giỏi vào làm việc cho chính phủ, kể cả đó có là người nước ngoài.
Dubai thì chính sách tiền lương và thuế không ai sánh kịp. Bạn tôi từ Châu Âu qua làm việc 2 năm mới mức lương gấp đôi, và không phải đóng thuế thu nhập.
Nhưng Việt Nam vẫn có thể làm gì đó. Tạo những cơ hội khác biệt, ví dụ cơ hội thử nghiệm tất cả ý tưởng mới. Hay xây dựng HUB trên văn hóa, người Việt ở nước ngoài sẽ sẵn sàng về, và người nước ngoài sẽ đến cho những trải nghiệm mới. Mảnh đất TP.HCM chẳng hạn, có sự phóng khoáng, hào sảng, nghĩa tình mà không phải thành phố lớn trên thế giới nào cũng có được.
Tự đi trên đôi chân của mình
Vậy có nên hiểu tập trung thu hút nhân tài từ bên ngoài nghĩa là không cần chú trọng đào tạo trong nước?
Không phải vậy. Câu chuyện thu hút nguồn lực bên ngoài là giúp tạo cộng hưởng và có những cú huých từ nội lực. Nhiều người gọi đó là “đứng trên vai những người khổng lồ".
Để phát triển thì nội lực là quan trọng, chiến lược, và lâu dài. Chúng ta phải tự đi trên đôi chân của mình. Tự mình đào tạo ra được những chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Điều này đòi hỏi năng lực đưa được kiến thức khoa học, công nghệ vào thực tiễn. Khi chúng ta tiến từ trình độ thấp lên trình độ cao thì điều cần chú ý là phải vừa học vừa làm và cải tiến liên tục, và chúng ta cần một lực lượng đủ lớn chứ không chỉ một vài người, một vài nhóm mạnh. Điều này mới đảm bảo sự tiến bộ chung của xã hội.
Tiếp cận, tiến tới các chuẩn chất lượng quốc tế trong giáo dục đào tạo phải được coi là ưu tiên, quốc sách hàng đầu. Việc này có thể mất thời gian, nhưng có ý nghĩa sống còn. Nếu không có nền tảng khoa học công nghệ thì bản thân chúng ta cũng không thể hấp thụ được những tinh hoa trí tuệ nhân loại. Vay mượn mãi, sử dụng mãi máy móc, thiết bị và công nghệ của bên ngoài thì chúng ta không làm chủ được con đường phát triển của mình, không chủ động giải quyết được các bài toán cụ thể của xã hội và nền kinh tế.
Bên cạnh các ngành “nóng”, “trào lưu”, không thể quên chú trọng đào tạo những ngành rất cơ bản mà bất cứ giai đoạn nào cũng cần, ví dụ như y tế, giáo dục, pháp lý, xây dựng, kĩ thuật, khoa học cơ bản…Đây là nền tảng của sự hạnh phúc và bền vững.
Tìm khoảng trống thị trường lao động theo kiểu chiến lược đại dương xanh. Phát triển những tập hợp chuyên gia (expert pool) độc mà thế giới cần đến Việt Nam.
Thế giới không chỉ đang thay đổi rất nhanh, mà còn đang ở ngưỡng cửa của nhiều chuyển đổi quan trọng. Vậy Việt Nam cần đào tạo ngành nào để sẵn sàng cho những chuyển đổi này ?
Thường thì đào tạo hay đi theo xu hướng quốc tế, và mô hình, hay mũi nhọn kinh tế mà mỗi quốc gia chọn. Hiện nay thì ở đâu cũng thấy mọi người nói về AI, về chip điện tử, về Blockchain, về điện toán đám mây, về số hóa. Việt Nam cũng chọn theo xu hướng quan trọng này, đi vào đào tạo và thu hút nhân tài.
Bên cạnh các ngành “nóng”, “trào lưu”, không thể quên chú trọng đào tạo những ngành rất cơ bản mà bất cứ giai đoạn nào cũng cần, ví dụ như y tế, giáo dục, pháp lý, xây dựng, kĩ thuật, khoa học cơ bản…Đây là nền tảng của sự hạnh phúc và bền vững.
Tìm khoảng trống thị trường lao động theo kiểu chiến lược đại dương xanh. Phát triển những tập hợp chuyên gia (expert pool) độc mà thế giới cần đến Việt Nam. Ví dụ cách thế giới phải tìm đến Đài Loan để học công nghệ sản xuất chip.
Và đặc biệt không chỉ tập trung đào tạo những cái mình thiếu, mà cần hướng đến việc đào tạo những ngành tiềm năng, để tạo ra lợi thế cạnh tranh và thương hiệu cho đất nước. Việt Nam không phải là không có điều kiện hay nguồn lực để đào tạo ra những chuyên gia, nhân lực có trình độ cao trong các ngành đang là thế mạnh, là tiềm năng của nước ta. Cái chúng ta cần là phương pháp và chính sách. Người Việt có năng lực chuyên môn cao và thấm đượm văn hóa Việt là điều mà chúng ta cần chú trọng.
Chuyển đổi số, Chuyển đổi sinh thái và Chuyển đổi xã hội
Rõ ràng, vì sự nghiệp phát triển lâu dài và thịnh vượng của Việt Nam chúng ta cần đặt trọng tâm vào con người, lấy con người là trung tâm cho tiến trình phát triển. Kinh nghiệm của thế giới trong giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực tương lai thế nào, thưa ông?
Theo quan sát của tôi, có 3 từ khoá lớn nhất là Kỷ luật, Kỹ năng mềm và Không bỏ cuộc. Kỷ luật giúp ta biết tập trung và định hướng bản thân, nghiêm túc và có trách nhiệm trong công việc. Kỹ năng mềm giúp ta có khả năng thích nghi và làm việc hiệu quả hơn. Tinh thần bền bỉ, không bỏ cuộc sẽ đưa ta đi xa và vững vàng hơn. Bên cạnh kiến thức và kỹ năng về chuyên môn, tôi tin 3 yếu tố trên là đặc biệt quan trọng đối với nguồn nhân lực tương lai.
Hiện nay, xã hội đang trải qua 3 chuyển đổi lớn, gồm có: Chuyển đổi số, Chuyển đổi sinh thái và Chuyển đổi xã hội. Để thích ứng với những chuyển đổi đó, ta cần có tư duy bền vững, trách nhiệm và đổi mới. Điều này cần bắt đầu từ trong giáo dục và đào tạo. Cần xây dựng văn hóa chấp nhận sự khác biệt, nên tập trung vào cùng nhau tìm ra ý tưởng có tác động tích cực đến xã hội và cùng nhau thực hiện.
Các trường đại học tiên tiến hiện nay đều phải thiết kế và cập nhật các chương trình đào tạo theo hướng chuẩn bị cho sinh viên và người lao động tương lai một hành trang kiến thức và kỹ năng đa chiều, năng lực làm việc đội nhóm, và khả năng thích ứng với một môi trường luôn thay đổi. Ví dụ, để làm việc trong môi trường AI thì không chỉ cần các môn học kỹ thuật, mà còn cần có các “user cases" hay tạo tầm nhìn tác động tích cực của công cụ AI lên tiến bộ xã hội, năng suất, và hiệu quả của doanh nghiệp, tổ chức...
Việt Nam đang tạo ra được một số hấp lực mới với các đối tác quốc tế. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng ngày một quan tâm đến và làm việc tại Việt Nam hơn. Từ câu chuyện trao đổi ở trên, ông có gợi ý gì về những chiến lược cụ thể mà nước ta có thể thực hiện?
Sự hấp dẫn của Việt Nam đến phần lớn từ cơ hội đầu tư, tiềm năng tăng trưởng và phát triển. Nền tảng một nền văn hoá đặc sắc, con người cởi mở và tinh thần khởi nghiệp vươn lên cũng tạo là lực hấp dẫn quan trọng. Trên hết, chúng ta cần một chiến lược đồng bộ xuyên suốt, được sự hưởng ứng của các khối từ chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia.
Tinh thần chủ đạo là xây dựng một môi trường làm việc thuận lợi để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sáng chế công nghệ có thể phát huy hết năng lực của mình để giải quyết các bài toán thách thức trong phát triển kinh tế và xã hội.
Tiếp đến là cần tìm cách sử dụng người tài, người có năng lực ở khắp nơi. Nếu người trong nước chưa đủ thì sử dụng người nước ngoài, nhất là trong những lĩnh vực mà chúng ta chưa mạnh, nguồn lực từ đào tạo trong nước cần phải có thời gian. Nếu phương pháp của chúng ta chưa hiệu quả, chưa thông minh, sáng tạo thì học tập cách mà các nước đi trước đã làm.