Hằng năm, vào ngày rằm tháng Bảy, người theo đạo Phật cũng như nhiều người dân trên khắp mọi miền đất nước lại trở về các chùa thiết lễ cúng dàng Tam bảo, cầu siêu, với mong muốn cầu nguyện những người thân quá cố được siêu thoát về cảnh giới an lành. Theo tục lệ dân gian Việt Nam và một số quốc gia Đông Á thì ngày rằm tháng Bảy còn gọi là ngày xá tội vong nhân. Tuy nhiên, đối với Phật giáo thì ngày này còn có nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà các phật tử cần hiểu rõ để khi đến chùa thiết lễ cúng dàng không bị người đời cho là mê tín.
Hướng tới văn minh, tránh mê tín dị đoan khi thực hành lễ Vu lan |
Lễ Vu Lan Báo Hiếu là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Tuần lễ Vu Lan vào dịp tháng 7 âm lịch, chính lễ vào ngày rằm tháng 7. Tinh thần này được thể hiện rõ trong văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du - một tác phẩm thể hiện hài hòa tinh thần báo ân - báo hiếu của Đạo Phật và tư tưởng hiếu đạo của Đạo Nho.
Nguồn gốc của lễ Vu Lan xuất phát từ kinh Vu Lan Bồn, kinh này nói về sự tích của Tôn Giả Mục Kiền Liên (Vị Bồ Tát đại hiếu) một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị này tu hành đắc được phép thần thông đệ nhất nên thấy mẹ mình là bà Thanh Đề sau khi chết đi bị đọa xuống cõi địa ngục.
Vì thương mẹ nên Tôn Giả Mục Kiền Liên bạch với Đức Phật Thích Ca tại sao mẹ mình lại đau khổ dưới cõi địa ngục, làm gì để cứu vớt mẹ mình thoát khỏi cõi địa ngục. Đức Phật Thích Ca chỉ dạy: nguyên do bà Thanh Đề sau khi chết bị đọa cõi địa ngục đau khổ là do ở đời làm nhiều việc ác và tham lam, bỏn xẻn. Vì vậy muốn cứu được bà ra khỏi cõi địa ngục đau khổ thì vào dịp rằm tháng 7 sau khi mãn hạ ba tháng an cư của chư Tăng phải sắm sửa lễ vật cúng dường chúng Tăng, cầu thỉnh mười phương Tăng chúng hồi hướng chú nguyện thì bà Thanh Đề mới thoát được cõi địa ngục đau khổ, thoát sinh về cõi thiên cung sung sướng.
Kinh này cũng dạy mọi người đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần báo ân - báo hiếu đối với cha mẹ, tổ tiên, những người có công sinh thành dưỡng dục. Đến ngày rằm tháng 7 mỗi năm sắm sanh lễ vật đến chùa lễ Phật tụng kinh, làm nhiều việc phúc để hồi hướng, chú nguyện cho cha mẹ còn sống được song đường trường thọ, hạnh phúc; tổ tiên, cha mẹ và những người đã mất được siêu sinh tịnh cảnh.
Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều người còn băn khoăn về việc làm thế nào cho đúng khi thực hành nghi lễ Vu lan cho trọn lòng thành.
Theo Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Trưởng ban Hoằng pháp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, theo tinh thần “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” thì tất cả Phật tử - những người con Phật - đều có thể thực hiện nghi thức Vu lan mọi lúc, mọi nơi tùy theo hoàn cảnh của mỗi người.
Tinh thần của Đại lễ Vu Lan trong đạo Phật là dạy con người sống thực hiện việc báo ân - báo hiếu, Phật dạy con người có 4 ân nặng (tứ trọng ân): Ân phụ mẫu sinh thành (ân cha mẹ), Ân thầy bạn dạy răn, Ân quốc gia xã hội, Ân chúng sinh đồng loại. Như vậy, lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn mang tính xã hội, tính giáo dục đạo đức sâu sắc.
Năm nay, đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ đạo các cơ sở tự viện và Tăng Ni, Phật tử tổ chức lễ Vu lan Báo hiếu gọn nhẹ, tiết kiệm và trang nghiêm.
Tùy tình hình dịch bệnh tại từng địa phương, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền, giáo hóa cho nhân dân, tín đồ hiểu đúng ý nghĩa lễ Vu Lan báo hiếu, hạn chế tụ tập đông người, tăng cường các khóa lễ, các buổi thuyết giảng ý nghĩa lễ Vu Lan trực tuyến và có nhiều hoạt động thiết thực như: tặng quà cho người nghèo.
Nguyễn Liên
Ảnh: Bạt Tuấn