Ngày 24/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với huyện Gia Lâm về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết, đơn vị này đã đạt 6/6 tiêu chí bắt buộc về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội để trở thành quận. Với 4 nhóm tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị cần đạt tối thiểu (21/25 tiêu chí), huyện cũng đã đạt 22/25 tiêu chí.
Đối với điều kiện thành lập phường, huyện Gia Lâm đã xây dựng dự thảo phương án điều chỉnh địa giới hành chính và rà soát, tính toán lại các tiêu chí theo phương án điều chỉnh còn 16 đơn vị hành chính.
Các phường dự kiến thành lập đến nay đã đạt 2/3 tiêu chí bắt buộc; đồng thời, đã đáp ứng nhóm tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định.
Hiện nay, huyện Gia Lâm đã hoàn thành lựa chọn đơn vị tư vấn lập đề án thành lập quận và các phường trực thuộc, phấn đấu hoàn thành, báo cáo UBND TP Hà Nội trong quý 2/2023.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, huyện Gia Lâm có lợi thế, tiềm năng phát triển rất lớn, bởi là cửa ngõ phía đông của thủ đô, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt... Huyện còn có hệ thống di tích văn hóa, lịch sử rất phong phú.
Đề cập đến việc huyện Gia Lâm đang tập trung thực hiện các tiêu chí, quy định để phát triển thành quận, Bí thư Đinh Tiến Dũng chia sẻ điều mà lãnh đạo thành phố quan tâm nhất là phải bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Theo đó, khi Gia Lâm trở thành quận, nhưng dân phải giàu, kinh tế phải mạnh.
Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm tiếp thu ý kiến trao đổi, nêu cao tinh thần tự chủ, đổi mới tư duy, nhận thức, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Huyện Gia Lâm cần chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là phù hợp với yêu cầu trở thành quận.
Huyện Gia Lâm có 20 xã, 2 thị trấn với diện tích hơn 116 km2, dân số 309.000 người. Huyện có 4.000 doanh nghiệp, hơn 14.000 hộ kinh doanh cùng nhiều cụm công nghiệp, làng nghề.