Đã từ rất rất lâu, kể từ khi tôi còn là một cậu bé học lớp 2, khái niệm “Bóng Đá Nhật” đã trở thành một thứ gì đó quá đỗi quen thuộc với những người mê game tại Việt Nam. “Trớ trêu” thay, vào thời kỳ máy tính chưa bùng nổ, internet cũng chưa có, thì những cậu bé với tình yêu gần như vô hạn cho hai thứ: Trò chơi điện tử và bóng đá, thứ được thừa kế từ những người ông, những người cha của chúng ta khiến cho tựa game bóng đá do Konami phát triển này trở thành một sản phẩm được ưa chuộng bậc nhất ngay từ những ngày đầu PlayStation xuất hiện tại dải đất hình chữ S.

 

Những game thủ 8x hay 9x đời đầu chắc chắn sẽ chẳng thể nào quên được cái tên Winning Eleven. Phiên bản đầu tiên, lấy tên World Soccer Winning Eleven được ra mắt vào năm 1996, 2 năm sau khi cỗ máy chơi game mang tính cách mạng của PlayStation được ra mắt. Đó là những gì game thủ Việt sau khi tìm hiểu thông tin về dòng game họ đam mê nhận được.

Thế nhưng một phiên bản Winning Eleven thậm chí còn được ra mắt trước cả phiên bản Quốc tế. Đó là tựa game cùng tên vào năm 1995, thế nhưng chỉ được phát hành tại thị trường nội địa Nhật Bản. Bản thân tựa game cũng chẳng hề phù hợp với việc “xuất khẩu”, vì Winning Eleven 1995 chỉ toàn những câu lạc bộ bóng đá Nhật Bản đang thi đấu tại giải quốc nội J League.

 

Như vậy là Goal Storm, tên tại thị trường Nhật Bản là World Soccer Winning Eleven được ra mắt tại Nhật vào ngày 15/03/1996 tại Nhật Bản, và 22/12/1996 tại Bắc Mỹ. Sở dĩ ở thời điểm hiện tại, chúng ta dường như chẳng hề biết tới cái tên Goal Storm hay ISS Pro, tên tại thị trường châu Âu của “Bóng Đá Nhật”, là do hầu hết những cỗ máy PlayStation tại Việt Nam đều được nhập về từ xứ sở Hoa anh đào, và cũng vì lý do đó, Winning Eleven đã trở thành cái tên quá đỗi quen thuộc đối với chúng ta.

Ngay lập tức, tựa game ra mắt năm 96, cùng thời điểm với kỳ Euro được tổ chức tại Anh Quốc nhận được điểm số rất cao, từ 8.5 đến 9 theo thang điểm 10 từ hai người đánh giá đến từ tạp chí Electronic Gaming Monthly. Giao diện thân thiện, cách chơi đầy mới mẻ cùng AI đầy thử thách.

 

Trong 2 năm liên tục đi theo chiến lược đa dạng hóa sản phẩm (1997/1998), Konami đã chứng kiến sự thành công của ISS Pro trên PlayStation cũng như sự thất bại của ISS 64 trên Nintendo 64. Trong đó, phiên bản ISS Pro 98 được coi là một trong những tựa game bóng đá xuất sắc nhất trên hệ máy của Sony.

Đến ngày 25/10/2001, Konami tung ra tựa game đầu tiên lấy tên gọi Pro Evolution Soccer, trong khi vẫn giữ tên gốc ở quê nhà, World Soccer: Winning Eleven 5. Ngay sau đó, Konami tiếp tục dùng thương hiệu International Superstar Soccer để phất triển một tựa game bóng đá dành cho hệ máy mới mẻ của Sony (ISS2 – 2002). Tuy nhiên, hãng game Nhật Bản đã có một quyết định được coi là sáng suốt nhất trong lịch sử khi xây dựng một thương hiệu mới hoàn toàn mang tên Pro Evolution Soccer để giới thiệu sản phẩm của mình sang thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

 

Theo đó, ISS vẫn sẽ được phát triển bởi KCEO (Konami Computer Entertainment Osaka) trong khi Pro Evolution Soccer được nhào nặn bởi bàn tay của studio KCET (Konami Computer Entertainment Tokyo), nơi mà Shingo “Seabass” Takatsuka làm việc. Mang nhiều điểm tương đồng với người anh em Winning Eleven 5 tại Nhật, phiên bản Pro Evolution Soccer đầu tiên ra đời vào thời điểm cuối năm 2001 đã trở thành một bước ngoặt lớn khi Konami quyết định ngừng đầu tư vào dự án International Superstar Soccer sau phiên bản cuối cùng xuất hiện vào năm 2003 (ISS3).

Sau sự ra mắt thành công ngoài mong đợi của Pro Evolution Soccer, Konami tiếp tục khai thác triệt để thương hiệu này bằng việc phát hành phiên bản tiếp theo của trò chơi vào năm 2002. Pro Evolution Soccer 2 được coi là một sản phẩm xây dựng trên nền tảng là tựa game Winning Eleven 6 tại Nhật Bản. So với phiên bản PES đầu tiên, những trận đấu trong PES 2 có tốc độ nhanh hơn, đặc biệt là khả năng xoay trở của cầu thủ.

 

Không chỉ vậy, PES 2 còn được tích hợp thêm chế độ tập luyện (training) và phần chơi Master League. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của 2 bình luận viên Peter Brackley và Trevor Brooking. Tuy nhiên, Peter Brackley và Trevor Brooking đã bị chỉ trích khá nhiều từ phía cộng đồng game thủ khi đưa ra những lời bình luận không chính xác và thường cướp lời của nhau.

Lần lượt hàng năm, từng bản PES mới được ra đời, đem lại những cập nhật mới, cùng những thay đổi trong lối chơi, giúp tựa game tiến gần hơn đến với đời thực. Tuy nhiên không phải phiên bản nào cũng có được thành công tương xứng với công sức Seabass cùng đồng nghiệp bỏ ra.

 

Lấy ví dụ, phiên bản PES đầu tiên lấy số năm để phân biệt phiên bản, PES 2008 bị chỉ trích khá nhiều vì đã lột xác “hơi thái quá” so với phiên bản PES 6, vốn được rất nhiều game thủ Việt ưa chuộng trên cả PC lẫn PS2. Tương tự như vậy, hai phiên bản PES gần đây nhất là 2014 và 2015, ra mắt lần lượt vào năm 2013 và 2014 cũng bị đánh giá thấp vì Fox Engine đã biến PES trở thành một trải nghiệm rất khác so với phiên bản PES 2013, hiện vẫn đang được nhiều game thủ Việt ưa chuộng.

 

May mắn thay, đến thời điểm hiện tại khi PES 2016 đã ra mắt chính thức, các fan hâm mộ dòng game bóng đá Nhật Bản bắt đầu thấy được tín hiệu đáng mừng từ phía giới chuyên môn khi điểm số thấp nhất mà trò chơi nhận được tính đến thời điểm bài viết là 8/10, còn lại đều từ 9/10 trở lên. GameSpot - trang tin game uy tín đưa ra nhận xét tổng quan đầu tiên trước bài review chi tiết: "Sự trở lại của nhà vua". Điều này phần nào thể hiện chất lượng tốt của PES 2016.

 

Có thể khẳng định rằng, sau gần 20 năm có mặt tại Việt Nam, mặc cho những tựa game như FIFA đã và đang thu hút được nhiều game thủ Việt, PES vẫn sẽ là một trong số những game được yêu thích nhất tại làng game Việt trong tương lai gần.

Theo Trí Thức Trẻ